Theo tin từ tờ The Guardian, lần này, OAG cáo buộc Gulnara Karimova đứng đầu tổ chức tội phạm được gọi là “The Office”, bao gồm hàng chục cá nhân và hơn 100 công ty riêng biệt - tất cả đều có lợi ích kinh doanh rõ ràng là hợp pháp nhưng thực chất là hoạt động bí mật để che giấu số tiền bị đánh cắp và làm giàu cho các thành viên của tổ chức này. Trung tâm của “The Office” được cho là Công ty Zeromax của Thụy Sĩ. OAG Thụy Sĩ cho biết, Công ty Zeromax đã bị sụp đổ vào năm 2010 và là vụ phá sản lớn thứ hai từ trước đến nay tại Thụy Sĩ. Tuy nhiên, do luật công bố thông tin doanh nghiệp không rõ ràng ở Thụy Sĩ nên vụ việc của Công ty Zeromax ít thu hút được sự chú ý của dư luận trong hơn một thập kỷ.
Các tài liệu khác mà phóng viên tờ The Guardian có được thể hiện rõ, vào năm 2021, tờ Financial Times từng tiết lộ rằng, các chủ nợ của Công ty Zeromax có khoản nợ tầm 2,5 tỷ USD đã kiện Công ty kiểm toán EY vì công ty này đã ký vào các biên bản kiểm toán của Công ty Zeromax trong nhiều năm, bất chấp hoạt động rất bất thường của Zeromax. Hàng triệu USD đã được chi cho đồ trang sức, phương pháp điều trị y tế xa xỉ và tài sản dường như không liên quan đến các hoạt động chính thức của Zeromax với tư cách là công ty mẹ của các doanh nghiệp xây dựng và tài nguyên thiên nhiên ở Uzbekistan.
Ngày 16/8/2022, tại Bern (Thụy Sĩ), một thỏa thuận khung đã được ký giữa Thụy Sĩ và Uzbekistan với mục đích là mọi tài sản của Gulnara Karimova được trả lại “sẽ được sử dụng vì lợi ích của người dân Uzbekistan”.
Và bản cáo trạng mới nhất của OAG Thụy Sĩ nhằm chống lại Gulnara Karimova - người từng được mệnh danh là “Công chúa của Uzbekistan” vì lối sống xa hoa, cũng nêu rõ rằng, cuộc điều tra hình sự đối với một trong những ngân hàng tư nhân nổi tiếng nhất Thụy Sĩ, Lombard Odier, đang diễn ra và liên quan đến vụ án. Cụ thể, Gulnara Karimova đã sử dụng két an toàn tại Lombard Odier để cất giữ kim cương và các loại đá quý khác trị giá hàng triệu USD. Hơn 400 triệu USD tài sản lưu động trong các tài khoản đứng tên Gulnara Karimova tại ngân hàng Lombard Odier hiện đã bị OAG Thụy Sĩ phong tỏa. Công tố viên cũng cho biết, ngân hàng này đang bị điều tra “vì nghi ngờ không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong các giao dịch tài chính và làm trầm trọng thêm hoạt động rửa tiền”. Người phát ngôn của Lombard Odier cho biết, ngân hàng không bình luận về các cuộc điều tra đang diễn ra nhưng có thừa nhận rằng, đã hợp tác với các nhà điều tra kể từ năm 2012 trong vụ án liên quan đến Gulnara Karimova.
Những bản án mới
Thực tế, nhiều năm qua, Gulnara Karimova đã tránh bị điều tra ở Thụy Sĩ nhờ quyền miễn trừ ngoại giao được cấp khi đảm nhiệm các vai trò khác nhau tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva. Nhưng sau cái chết của cựu Tổng thống Islam Karimov, Gulnara Karimova đã mất đi sự bảo vệ chính trị mạnh mẽ của mình. Năm 2014, trong bối cảnh có sự thay đổi quyền lực chính trị ở Tashkent, bà bị quản thúc tại gia và năm 2017 bị kết tội tham ô ở Uzbekistan. Kể từ đó, Gulnara Karimova bị giam lỏng ở Tashkent.
Các công tố viên Thụy Sĩ tuyên bố, “The Office” do Gulnara Karimova điều hành, bắt đầu hoạt động ở Thụy Sĩ vào năm 2005 và sử dụng đất nước này trong thập kỷ tiếp theo để giúp tiêu thụ số tiền bị đánh cắp. Nguồn lợi nhuận ban đầu và chính của tổ chức này được cho là tiền hối lộ của các công ty viễn thông phương Tây để phát triển mạng lưới truyền thông của Uzbekistan vào đầu những năm 2000. Từ thời điểm đó, tổ chức đã phát triển tham vọng và phạm vi của mình.
Trong một bức điện ngoại giao bị rò rỉ từ năm 2010, Bộ Ngoại giao Mỹ từng gọi Gulnara Karimova là kẻ bắt nạt, “giành được hầu hết mọi hoạt động kinh doanh sinh lợi" ở Uzbekistan bằng cách khai thác quyền lực của cha. Năm 2012, Thụy Sĩ cho biết, họ đã phong tỏa khoảng 871,3 triệu USD liên quan đến thủ tục tố tụng hình sự chống lại Gulnara Karimova vì tội tham ô và phạm tội hình sự. Sau đó, Bộ Tư pháp Uzbekistan khẳng định, họ đang làm việc với chính quyền ở Thụy Sĩ, Mỹ, Pháp, Nga và một số quốc gia khác để trả lại tài sản của Gulnara Karimova mà họ cho là “kiếm được thông qua các hoạt động tội phạm”. Năm 2022, một thỏa thuận khung đã được ký giữa Thụy Sĩ và Uzbekistan với mục đích là mọi tài sản của Gulnara Karimova được trả lại “sẽ được sử dụng vì lợi ích của người dân Uzbekistan”.
Toàn cảnh khu biệt thự của Gulnara Karimova ở Cologny, Thụy Sĩ.
Trong một thời gian dài, các nhà điều tra hình sự ở Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Thụy Điển và Hà Lan đã liên kết Gulnara Karimova với một kế hoạch hối lộ lớn kéo dài nhiều năm, chủ yếu xoay quanh việc các công ty viễn thông nước ngoài giành được quyền tiếp cận thị trường Uzbekistan. Tháng 12/2017, tòa án Tashkent đã kết án Gulnara Karimova 10 năm tù, nhưng bản án sau đó được giảm xuống quản thúc tại gia trong 5 năm. Bà bị giam giữ vào tháng 3/2019 với cáo buộc vi phạm các điều khoản quản thúc tại gia.
Tháng 2/2020, Gulnara Karimova gửi một lá thư cho Tổng thống đương nhiệm Uzbekistan, đề nghị trả lại 686 triệu USD cho kho bạc Nhà nước để đổi lấy việc tòa án bác bỏ vụ kiện chống lại bà. Một tháng sau, bà nhận thêm bản án 13 năm tù sau khi bị kết tội tống tiền, rửa tiền và các tội danh khác. Hồi tháng 8 vừa qua, Văn phòng chống gian lận nghiêm trọng của Vương quốc Anh cho biết, họ đang nắm quyền kiểm soát 3 tài sản trị giá hơn 22,3 triệu USD thuộc sở hữu của Gulnara Karimova.
Luật sư Grégoire Mangeat, người có văn phòng luật tại Geneva (Thụy Sĩ) và là luật sư bào chữa cho Gulnara Karimova tuyên bố rằng, lần này, con gái của cựu Tổng thống Uzbekistan "phản đối mọi cáo buộc và sẽ đấu tranh để được trắng án". “Lý thuyết tổ chức tội phạm hoàn toàn bị tranh cãi. Nó đã được các công tố viên Thụy Sĩ lôi ra chỉ một năm trước, mười năm sau khi cuộc điều tra của họ bắt đầu. Thân chủ của chúng tôi Gulnara Karimova đã bị giam giữ tùy tiện trong gần mười năm. Không có dấu hiệu nào cho thấy rõ việc bà ấy sẽ phải ngồi tù ở Uzbekistan bao lâu nữa”, luật sư Grégoire Mangeat nói.