Ngày 1/4, ĐHQGHN và các đối tác Bỉ cùng tổ chức chuỗi sự kiện trao đổi học thuật và kết nối.
Tại ĐHQGHN vừa diễn ra chuỗi sự kiện trao đổi học thuật gồm Hội thảo “Ba mươi năm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua hợp tác nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ” (phối hợp với ĐH KU Leuven); Tọa đàm học thuật cấp cao "Làm thế nào để tăng cường hợp tác học thuật, hợp tác nghiên cứu và đổi mới giữa Bỉ và Việt Nam?" (phối hợp với Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam); Hội thảo "Y học số trong điều trị các bệnh do rối loạn thoái hóa thần kinh: Góc nhìn toàn cầu” (phối hợp với VUB).
Tại đây, các cơ quan phía Bỉ và Việt Nam đã cùng chia sẻ thông tin về các nguồn tài trợ nghiên cứu và cơ hội hợp tác của Bỉ, đồng thời phía Bỉ cũng lắng nghe chia sẻ từ Bộ GD&ĐT về Đề án 89, chiến lược giáo dục của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 và tiềm năng hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên với các đối tác Bỉ.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc ĐGQGHN Lê Quân cho biết, chuỗi các hoạt động học thuật và kết nối hợp tác do ĐHQGHN phối hợp với các đối tác Bỉ là một dấu mốc quan trọng, nhìn lại chặng đường 30 năm hợp tác thành công và tốt đẹp giữa hai quốc gia trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu và đào tạo, đồng thời mở ra những triển vọng hợp tác mới trong tương lai. Đặc biệt, sự hiện diện của các Bộ trưởng - Thủ hiến Bỉ tại sự kiện thể hiện sự coi trọng, quan tâm của Chính phủ Bỉ đối với việc phát triển quan hệ hợp tác trong giáo dục với Việt Nam.
Trong suốt thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN và các đối tác Bỉ luôn được duy trì và phát triển thông qua các dự án nghiên cứu chung và hoạt động trao đổi cán bộ, sinh viên. Nhiều dự án nghiên cứu chung của ĐHQGHN và đối tác Bỉ đã được triển khai thành công, góp phần giải quyết các vấn đề thiết thực về môi trường, nông nghiệp bền vững, y tế và phát triển cộng đồng, quản lý tài nguyên, phát triển đô thị bền vững, du lịch bền vững…
Giám đốc ĐH KU Leuven Luc Sels trong phát biểu của mình đã nhấn mạnh ba trụ cột chính của sự hợp tác này, đó là: Sự xuất sắc, tác động và sự gắn kết xã hội. Sự xuất sắc đảm bảo nghiên cứu có tính cạnh tranh cao và đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Tác động chính là chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành lợi ích cụ thể cho cộng đồng, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách. Sự gắn kết xã hội đảm bảo tính phù hợp, khả năng tiếp cận và đóng góp của quan hệ hợp tác cho sự phát triển con người.
Hội thảo “Ba mươi năm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua hợp tác nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ”, các đại biểu được nghe trình bày về một số dự án hợp tác tiêu biểu giữa các nhà khoa học của ĐHQGHN và các đối tác Bỉ. Những dự án này làm nổi bật sức mạnh của sự hợp tác học thuật trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu. Hội thảo cũng nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận về các cơ chế, kế hoạch thúc đẩy và mở rộng hợp tác nghiên cứu trong tương lai giữa Việt Nam và Bỉ.
Việc triển khai quan hệ hợp tác Việt - Bỉ trong nghiên cứu khoa học cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn. Hợp tác nghiên cứu thành công đòi hỏi các công cụ và cơ chế hỗ trợ phù hợp. Việt Nam và Bỉ đã phát triển các chương trình tài trợ, cơ chế di chuyển và hệ thống hỗ trợ thể chế để giúp các mối quan hệ đối tác phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục đầu tư vào các quan hệ đối tác học thuật và tăng cường các chương trình tài trợ chung, điều này sẽ cho phép mở rộng và phát triển các giải pháp sáng tạo và sáng tạo để giải quyết các thách thức chung.
Ngoài ra, hai bên cũng cam kết sẽ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình trao đổi chuyên gia, nghiên cứu sinh; triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn về công nghệ tiên tiến; chuyển giao tri thức và kinh nghiệm quản lý. Các trường đại học và nhà nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác, nhưng điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ từ chính phủ, các cơ quan tài trợ và các nhà hoạch định chính sách.
Chuỗi sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ, đoàn các Bộ trưởng - Thủ hiến Bỉ, gồm có Bà Elisabeth Degryse, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonie-Bruxelles), Ông Adrien Dolimont, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ vùng Wallonie và Bà Cieltje Van Achter, Bộ trưởng khu vực Brussels và Truyền thông - Chính phủ vùng Flanders, cùng lãnh đạo các đại học, cơ quan nghiên cứu của Bỉ đã đến thăm ĐHQGHN.