THE xếp hạng đại học theo 13 chỉ số được chia thành 5 nhóm tiêu chí, gồm: Giảng dạy (môi trường học tập) với trọng số tính điểm xếp hạng là 30%; Nghiên cứu (khối lượng, thu nhập, danh tiếng) 30%; Trích dẫn khoa học (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu) 30%; Triển vọng quốc tế (của nhân viên, sinh viên và nghiên cứu) 7,5% và Thu nhập ngành (chuyển giao tri thức và công nghệ) 2,5%.
Trong sáu đại diện của Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt điểm cao nhất ở tiêu chí chất lượng giảng dạy, Đại học Tôn Đức Thắng dẫn đầu về nghiên cứu và triển vọng quốc tế, Đại học Duy Tân có thế mạnh ở tiêu chí về trích dẫn khoa học, Đại học Bách khoa Hà Nội có thu nhập ngành cao nhất.
Năm nay, 1.799 trường đại học được THE xếp hạng, tăng 137 so với năm ngoái và cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay. Đại học Oxford (Anh) dẫn đầu, giữ vững thứ hạng này lần thứ bảy liên tiếp. Đại học Harvard (Mỹ) hạng hai, đồng hạng ba là Cambridge (Anh) và Stanford (Mỹ), Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) hạng năm. Đây đều là các đại học hàng đầu thế giới, luôn giữ các vị trí cao nhất của nhiều bảng xếp hạng uy tín.
Ở khu vực châu Á, Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc lần lượt giữ vị trí 16 và 17, tương tự năm ngoái. Đại học Quốc gia Singapore hạng 18, tăng ba bậc, còn Đại học Hong Kong xếp thứ 31, giảm một bậc.
THE là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Anh, bên cạnh bảng xếp hạng của QS (Anh) và Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc).
THE bắt đầu xếp hạng các đại học thế giới vào năm 2004, sử dụng dữ liệu do Quacquarelli Symonds (QS) cung cấp. Từ năm 2010, THE ngừng hợp tác với QS và tạo ra một bảng xếp hạng mới, hợp tác với Thomson Reuters - đơn vị thu thập và phân tích dữ liệu để xếp hạng.