Đối với lãnh đạo và cán bộ chính quyền địa phương, chuyên gia đến từ Đại học RMIT và Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ các khái niệm về chuyển đổi số, chính phủ số và chính quyền số; cũng như các chiến lược liên quan đến quản lý khả năng chuyển đổi số và các giải pháp mới nhất giúp thúc đẩy chính quyền số ở cấp địa phương.
Đối với các đại biểu đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn mỗi tỉnh, chương trình cập nhật kiến thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Nội dung tập trung vào số hóa dữ liệu kinh doanh; áp dụng công nghệ số để tự động và tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quản lý, sản xuất kinh doanh; chuyển đổi mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, chương trình cũng nâng cao năng lực số trong thời kỳ hậu COVID cho hàng ngàn công dân với hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và các chia sẻ theo chủ đề “Live - Work - Play” (Sống - Làm việc - Giải trí), với nhiều nội dung liên quan tới an toàn thông tin.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh Bình Phước chọn Đại học RMIT để phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn này vì đơn vị này có bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu, phát triển về lĩnh vực chuyển đổi số. Trường cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức thành công hội nghị trước đó, được đánh giá cao vì nội dung phù hợp, thiết thực, bám sát tình hình thực tiễn tại Việt Nam và các địa phương trong nước.
Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy, Giảng viên cấp cao và Chủ nhiệm cấp cao chương trình Tiến sĩ tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT cho biết: “Nhóm chúng tôi thiết kế nội dung huấn luyện để bám sát nhu cầu cụ thể của lãnh đạo chính quyền, cũng như mức độ số hóa của doanh nghiệp và người dân từng tỉnh. Lấy ví dụ lần tập huấn này ở Bình Phước, nhóm đã chia sẻ các mô hình và bài học chuyển đổi số dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây”.
Đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số tỉnh Bình Phước tham gia tập huấn, ông Nguyễn Minh Hiếu cho biết ông dự định sử dụng kiến thức thu được từ chương trình để đánh giá lại sức khỏe của việc chuyển đổi số tại HTX. “Qua đó chúng tôi có thể cập nhật để triển khai chuyển đổi số tốt hơn cho các thành viên HTX cũng như lan tỏa ra cho cộng đồng, hỗ trợ bà con nông dân và các doanh nghiệp khác trên địa bản tỉnh thực hiện chuyển đổi số”, ông nói.
Chuỗi tập huấn được triển khai bởi nhóm chuyên gia tập huấn chuyển đổi số từ Đại học RMIT gồm Phó giáo sư Nguyễn Quang Trung, Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy, Tiến sĩ Hoàng Ái Phương, và Trợ lý nghiên cứu Trần Lê Uyển Hạ, với khoản tài trợ từ quỹ AAGF.
Quỹ AAGF được quản lý bởi Chương trình Aus4Skills, tài trợ cho các đề xuất của các cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tập tại các tổ chức giáo dục Australia, nhằm củng cố kiến thức và kỹ năng chuyên môn; góp phần thay đổi về tổ chức và thể chế của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức; đồng thời tăng cường mối liên kết giữa hai quốc gia. Các cựu sinh Việt Nam đã từng học tại Australia đại diện cho nguồn tri thức dồi dào, chuyên môn cao và có tầm ảnh hưởng đang có những đóng góp giá trị cho sự phát triển của Việt Nam và củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Australia.
Tiến sĩ Hoàng Ái Phương, Quyền chủ nhiệm cấp cao của chương trình cử nhân Digital Marketing Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ rằng, hiện tại nhóm đã được một số tỉnh khác ở Việt Nam tiếp cận để tìm cách đưa mô hình tập huấn chuyển đổi số này đến với địa phương họ.
“Nhóm nghiên cứu chúng tôi rất vinh dự nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của chính phủ Australia cho những chương trình tập huấn tại tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước. Nhóm chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội để đóng góp cho Chương trình Chuyển đổi số quốc gia trong tương lai”, cô cho biết.