KSC Phạm Văn Lâm, Phó Trưởng phòng Hóa Vô cơ, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Mangan (Mn) là một kim loại độc hại cho sức khỏe, tiêu chuẩn Mn trong nước sạch thường rất thấp. Biểu hiện của nước nhiều Mn là đồ dùng đựng nước lâu ngày như xô chậu, bình nước nóng, két nước bồn cầu… thường bám màu đen xỉn. Nếu nước nhiều sắt sẽ có màu vàng như gỉ sắt.
Nước giếng khoan người dân tự đào thường có hàm lượng Mn cao. Nước máy đã qua quá trình xử lý, hàm lượng Mn phải nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, nếu nhà máy xử lý nước không xử lý triệt để, hoặc dùng công nghệ cũ… có thể không xử lý hết hàm lượng Mn trong nước.
Độc hại của Mn với sức khỏe là rõ ràng. Bất cứ loại nước sinh hoạt nào vượt quá hàm lượng cho phép cũng gây hại tới sức khỏe. Tuy nhiên, Mn không gây độc ngay lập tức mà nó tích cụ trong cơ thể, thời gian đủ dài sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm cho sức khỏe. Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm lọc nước để trung hòa Mn, người dân sống ở vùng nước ô nhiễm Mn cần lọc nước trước khi sử dụng.
Theo Cổng thông tin Phòng chống bệnh nghề nghiệp của Bộ Y tế, Mangan có mặt trong nước ở dạng ion hòa tan (Mn2+). Nếu ở hàm lượng nhỏ dưới 0,1mg/lít thì mangan có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu hàm lượng mangan cao từ 1-5mg/lít sẽ gây ra không ít ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể.
Mn không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư, cũng không ảnh hưởng đến sinh sản…nhưng nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng gần như tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng Mn hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch. Khi hít phải Mangan với lượng lớn có thể gây hội chứng nhiễm độc ở động vật, gây tổn thương thần kinh.
Sử dụng nguồn nước bị nhiễm Mangan trong thời gian dài, nhiễm độc mangan từ nước uống làm giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động liên quan đến tay và chuyển động của mắt. Nếu nhiễm độc mangan lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường như dáng đi và ngôn ngữ bất thường.
Mn đặc biệt có hại cho trẻ bởi cơ thể trẻ em dễ dàng hấp thụ được rất nhiều Mg trong khi tiết thải ra ngoài thì rất ít. Điều đó dẫn đến sự tích tụ Mn trong cơ thể trẻ, gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nguồn nước nhiễm Mn.
Cổng thông tin Phòng chống bệnh nghề nghiệp Bộ Y tế