Đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc Khmer

Bài và ảnh: Tuấn Phi (TTXVN) {Ngày xuất bản}

Sóc Trăng là tỉnh có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, nhiều nhất cả nước. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc Khmer với nhiều chương trình, dự án nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết cho người dân vùng dân tộc.

Chú thích ảnh
Giờ học chữ Khmer tại trường trong vùng dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất

Mỹ Tú là huyện vùng sâu của tỉnh Sóc Trăng. Toàn huyện có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chủ yếu tại các xã Mỹ Thuận, Thuận Hưng và Phú Mỹ. Chính quyền địa phương xác định nhiệm vụ vừa tập trung phát triển kinh tế, vừa chăm lo đời sống người dân tộc Khmer, trong đó đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục là trọng tâm.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú Phạm Tuân cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng xác định đảm bảo an sinh xã hội, phát triển giáo dục vùng dân tộc Khmer là nhiệm vụ đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, trình độ dân trí cho người dân tộc Khmer.

Thực hiện chủ trương trên, Huyện ủy tập trung chỉ đạo đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo cho người nghèo hộ dân tộc Khmer; huy động nhiều nguồn lực xã hội xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, hạ tầng giáo dục nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí cho vùng dân tộc Khmer ở địa phương.

Chú thích ảnh
Ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã áp dụng chương trình giảng dạy mới vào các trường vùng dân tộc Khmer.

Năm học 2024 - 2025, thầy và trò Trường Tiểu học Mỹ Thuận B (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú) phấn khởi khi được đầu tư cơ sở vật chất khang trang và thiết bị dạy học.Thầy Dương Thành Lộc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Thuận B cho biết toàn trường có 577 học sinh, trong đó có 90% là học sinh dân tộc Khmer. Trường tổ chức dạy song ngữ (tiếng Việt và tiếng Khmer) cho các em ở các khối lớp. Các học sinh dân tộc Khmer được miễn học phí, đồng thời hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/tháng.

Theo thầy Dương Thành Lộc, nhờ sự quan tâm của cấp trên, cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư đầy đủ, hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy cô và học sinh. Năm học 2024 - 2025, nhà trường đã vận động nhà hảo tâm hỗ trợxe đạp, đồng phục, tập sách... cho học sinh vùng dân tộc có điều kiện khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa; tổng kinh phí 120 triệu đồng.

Em Thạch Trường (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Mỹ Thuận B) cho biết, gia đình em có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa. Được nhà trường hỗ trợ xe đạp cùng 150.000 đồng/tháng, em rất phấn khởi và yên tâm học tập.

Cách đó không xa, Trường Mầm non Mỹ Thuận - nơi có trên 50% học sinh là người dân tộc Khmer cũng được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập và rèn kỹ năng cho trẻ. Theo cô Nguyễn Thị Thùy Linh, Hiệu phó Trường Mầm non Mỹ Thuận, trường có 331 trẻ ở 11 lớp và 1 nhóm trẻ. Năm học 2024 - 2025, nhà trường được đầu tư khu vui chơi ngoài trời cho trẻ, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp đảm bảo phục vụ tốt cho việc dạy và học. Trẻ em dân tộc Khmer ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ được miễn chi phí học tập và ăn trưa.

Bảo tồn tiếng nói và chữ viết dân tộc Khmer

Chú thích ảnh
Học sinh vùng dân tộc Khmer trong giờ thực hành Tin học.

Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Tú cho biết, huyện có 3 xã vùng đồng bào dân tộc Khmer. Thời gian qua, Phòng đã thực hiện tốt công tác giáo dục dân tộc ở tất cả đơn vị như: tổ chức dạy chữ Khmer cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non ở 3 xã vùng dân tộc.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 131 trường có dạy tiếng Khmer với 1.319 lớp và 44.416 học sinh. Cấp tiểu học có 91 trường với 929 lớp; trung học cơ sở 33 trường với 346 lớp; trung học phổ thông có 7 trường, 44 lớp. Đặc biệt vào dịp hè, các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer trong tỉnh tổ chức dạy tiếng Khmer thu hút nhiều học sinh tham gia học tập.

Ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin, Sở phối hợp với Ban Dân tộc trình UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 16/12/2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer. Nghị quyết số 17 là chính sách đặc thù của tỉnh, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với người dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các điểm chùa và cơ sở giáo dục ngoài công lập. Qua đó, bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người dạy chữ và tiếng của đồng bào dân tộc thời gian tới. Hiện, ngành tiếp tục kiện toàn cơ sở vật chất trường, lớp học tại 131 trường (vừa dạy chương trình phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa dạy chữ, tiếng Khmer) và 10 trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn. Cùng với đó, ngành khuyến khích các chùa Nam Tông Khmer trên địa bàn tiếp tục dạy chữ, tiếng nói đồng bào Khmer trong dịp hè...

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/dau-tu-nang-cao-chat-luong-giao-duc-vung-dan-toc-khmer-20241108070841968.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/dau-tu-nang-cao-chat-luong-giao-duc-vung-dan-toc-khmer-20241108070841968.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc Khmer