Tập huấn ứng phó với động đất
Khoảng 1 năm nay, Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Ring (xã Đăk Ring, huyện Kon Plông) liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi các trận động đất.
Theo thầy Nguyễn Văn Diện, Hiệu trưởng nhà trường, trước kia những trận động đất xảy ra rải rác trong ngày. Mỗi khi động đất, các phòng học, khu bán trú rung lên theo từng đợt. Lúc đầu, giáo viên và học sinh vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, nhà trường cũng động viên, tuyên truyền để giáo viên ổn định tư tưởng, yên tâm giảng dạy.
Thầy Diện cho biết, thông qua các tiết học hoặc buổi sinh hoạt ngoại khoá nhà trường tuyên truyền, hướng dẫn học sinh cách ứng phó với động đất, bão lũ và sạt lở.
“Học sinh nơi đây học tập và ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6. Do đó, nhà trường nhắc nhở giáo viên phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục học sinh cách ứng phó với động đất. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức các buổi tập huấn, cho học sinh tham gia xử lý tình huống, như: Động đất bất ngờ xảy ra, bạn bè bị thương do động đất... Từ đó, giúp các em biết cách ứng phó, xử lý khi trên địa bàn xuất hiện động đất mạnh”, thầy Diện tâm sự.
Thầy Võ Xuân Tựu, Phó Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) cho biết, để bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên Phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường chuẩn bị các phương án ứng phó với động đất, sạt lở.
“Phòng đã chỉ đạo các trường thông qua giờ học trên lớp, hoạt động ngoại khoá để giáo dục, hướng dẫn học sinh cách ứng phó, xử lý tình huống khi xảy ra động đất. Bên cạnh đó, năm học vừa qua, một số trường cũng tổ chức diễn tập ứng phó với động đất, bão lũ. Ngoài ra, đơn vị cũng tuyên truyền, động viên để ổn định tinh thần giáo viên, học sinh. Qua đó giúp thầy cô yên tâm công tác”, thầy Tựu nói.
Cũng theo thầy Tựu, để bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh, Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường kiểm tra, rà soát lại cơ sở vật chất. Nếu phát hiện phòng học, chỗ ở bán trú bị nứt, không đảm bảo an toàn phải có biện pháp khắc phục xử lý.