Linh hoạt phối hợp kiến thức, đánh giá học sinh
Để tăng hứng thú và hiệu quả khi dạy học môn Lịch sử, các nhà trường đẩy mạnh phối hợp với dạy kiến thức về lịch sử địa phương – nơi học sinh đang sinh sống và học tập. Cùng đó, chú trọng đổi mới phương pháp kiển tra, đánh giá học sinh để tác động ngược lại quá trình dạy học.
Thầy Nguyễn Đình Phúc cho biết: Chúng tôi hiểu, xây dựng tình yêu với lịch sử quê hương đất nước phải bắt đầu từ những tình cảm thân yêu trong gia đình, dòng họ, làng xóm… Giáo dục lịch sử địa phương là để các em hiểu hơn về vùng đất mình đang sống, để tự hào và để có trách nhiệm xây dựng, vun đắp.
“Tôi mong muốn việc dạy lịch sử địa phương được phối hợp làm tốt hơn nữa, vì có vai trò ý nghĩa to lớn đối với học sinh. Bởi vì quê hương với truyền thống lịch sử cũng là nguồn cội của mỗi con người, mỗi em học sinh. Khi ý thức được truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, các em sẽ nỗ lực, cố gắng trong học tập, rèn luyện để xứng đáng ở truyền thống đó” - thầy Phúc bộc bạch.
Với cô Vũ Thị Anh, để Lịch sử trở thành môn học hấp dẫn, cần đưa hoạt động kiểm tra đánh giá lồng ghép vào quá trình dạy học, trở thành một yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giờ học.
Trước hết cần sử dụng kết hợp linh hoạt nhiều hình thức kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập của học trò để có những điều chỉnh kịp thời, không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra đánh giá định kì.
Tập trung kiểm tra đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết các vấn đề thực tiễn của học trò. Vì thế mà việc xây dựng câu hỏi để kiểm tra đánh giá cũng cần được đầu tư một cách thỏa đáng. Tích cực sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá, vừa có độ tin cậy, vừa mang lại cảm giác hưng phấn đối với người học.