Cô Hương tâm sự, nhiều tiết học trên lớp có kiến thức tương đối nặng nên học sinh phải tập trung, giữ trật tự tránh làm ảnh hưởng bạn bè. Tuy nhiên, tiết ngoại khóa, ngược lại, rất sôi động vì các em có thể liên tục trả lời, đặt câu hỏi với giảng viên đứng lớp.
Học sinh rất hào hứng, giơ tay phát biểu giao lưu với giảng viên. |
Cô Hương cũng bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền thí điểm 1-2 tiết/tháng về ngoại khóa kỹ năng sống để các em có thể thư giãn, vận động sau các giờ học chính khóa căng thẳng.
Còn theo cô Phạm Ngọc Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A3 kiêm cán bộ tư vấn học đường Trường Tiểu học Kim Đồng, phòng tư vấn học đường thuộc dự án trường học hạnh phúc, lấy hạnh phúc đồng hành với kiến thức của học sinh.
Cô Ngọc Anh cho biết với lứa tuổi tiểu học, học sinh có tâm sinh lý phụ thuộc vào môi trường, người lớn xung quanh. Do đó, tư vấn học sinh phải từ hai phía nhà trường và phụ huynh chứ nếu chỉ tư vấn đơn thuần thì không hiệu quả.
“Trẻ không được “xả bỏ” năng lượng thì dễ quấy phá dẫn đến người “dán mác” hư, nghịch ngợm. Năm vừa qua, các em học online nhiều tháng trời thay vì được hoạt động, vui chơi với bạn bè, dẫn đến có bạn bí bách tâm lý…”, cô Phạm Ngọc Anh chia sẻ.
Do đó, cô Ngọc Anh cũng khuyên phụ huynh cần hiểu rõ học sinh bị tăng động giảm chú ý sẽ nghịch ngợm nhiều hơn. Dù có phòng tâm lý, nhưng cô Ngọc Anh cho rằng “phòng hơn chống” như cha mẹ dành thời gian chơi đùa, nói chuyện với con.
Cô Ngọc Anh cũng chia sẻ, hiện có trường hợp học sinh tâm sự rằng “cha mẹ không yêu con”.
“Điều đó chứng tỏ gia đình mất kết nối do cha mẹ và con cái tương tác điện thoại, nếu bỏ thiết bị thông minh thì không biết nói chuyện gì. Cha mẹ bức xúc không nói được với con, con tâm tư không dám nói với cha mẹ, dẫn đến nguy cơ gây hại cho bản thân.
Vì vậy, một số giải pháp để cha mẹ có thể làm ở nhà như hỏi con “đi học có gì vui không thay vì hỏi điểm cao không, trồng chăm sóc cây, tập thể thao, đọc truyện với con…”, cô Ngọc Anh gợi ý.
Theo ông Nguyễn Công Bình - Giám đốc sản phẩm VietFuture cho hay, chương trình “Thiếu nhi Đột phá” được nhiều học sinh, phụ huynh yêu thích và được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chứng nhận đạt chất lượng theo Chương trình giáo dục kỹ năng sống 2018 của Bộ GD&ĐT.