Dạy môn Giáo dục địa phương không còn truyền thụ một chiều

Vân Anh | 20/12/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tuy là nội dung mới nhưng các tiết học môn Giáo dục địa phương đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía học sinh và giáo viên.

Giờ học giáo dục địa phương của các em học sinh lớp 6A1, Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) diễn ra sôi nổi, hào hứng. Dưới sự dẫn dắt của cô Trần Thị Thu Trang, học sinh được tìm hiểu về đời sống xã hội của cư dân Hà Nội từ thời tiền sử đến thời Văn Lang Âu Lạc.

Với các bức tranh mô phỏng 3D cuốn hút, cuộc sống sinh hoạt vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang xưa được diễn tả rõ ràng. Qua bài học, học sinh còn được tìm hiểu về đời sống vật chất của cư dân địa phương, học về kiểu dáng, hoa văn, họa tiết của trống đồng, quá trình biến đổi thích nghi trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Văn Lang.

Tại lớp 6A2, cô Bùi Thị Hà đã dẫn dắt các em đến với nét đẹp, độc đáo tinh tế trong phong cách, nếp sống người Hà Nội cùng với những tính cách hiền hòa, chịu thương chịu khó của người dân Kẻ Chợ - kinh thành Thăng Long xưa. Đặc biệt, các em được xem những thước phim thấm thía về tình cảm gia đình.

Nhiều em đã xúc động và gọi điện chia sẻ, cảm ơn thầy cô đã giúp bản thân cảm nhận được tình yêu thương gia đình; hiểu sợi dây tình cảm gắn bó trong mỗi gia đình người Hà Nội qua bao thế hệ. Các em còn được tìm hiểu về nét đặc trưng ẩm thực của Hà Nội nói chung và Hoàng Mai nói riêng như món ăn: Chả cá lã Vọng, cốm làng Vòng hay món bánh cuốn Thanh Trì gần gũi, giản dị mà thân thương.

Còn tại lớp 6A3, học sinh tham gia tiết học tìm hiểu về văn học dân gian thời kỳ dựng nước qua sự hướng dẫn của cô giáo Bùi Thị Cúc. Học sinh được tham gia trò chơi mini game khám phá nền văn học Việt Nam cổ đại với các câu chuyện cổ tích, thần thoại phong phú, đặc sắc. Tìm hiểu hệ thống thể loại các tác phẩm văn chương thời kỳ dựng nước không phải bằng những khái niệm đơn thuần, các em được trực tiếp nghe các làn điệu dân ca, câu đối đáp đầy biến tấu của nhân dân trong hội làng, dịp lễ. Tiết học sáng tạo như một cuộc dạo chơi, khiến học sinh hào hứng.

Cô Phạm Trâm Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai chia sẻ: Giáo dục địa phương rất cần thiết, bổ ích bởi đem lại nhiều kiến thức về địa phương cho các em. Những nội dung gần gũi với cuộc sống đã giúp trò hiểu bài, có những trải nghiệm thú vị.

Trước khi triển khai chương trình mới, ban giám hiệu nhà trường đã cùng các thầy cô giáo xây dựng hệ thống bài giảng xuyên suốt 4 năm học liên tiếp. Với sự dạy dỗ ân cần, tận tình, trách nhiệm của các thầy cô, nội dung giáo dục địa phương thực sự giúp học sinh tự tin, hiểu biết hơn, thêm gắn bó, yêu thương mảnh đất nơi mình đang sinh sống.

Sau gần 1 học kỳ triển khai môn Giáo dục địa phương, thầy Vũ Trọng Tùng, giáo viên Trường THPT Thanh Miện nhìn nhận: Hoạt động dạy học đã ổn định, nền nếp, thu hút được sự quan tâm của học sinh. Để giảng dạy môn học hiệu quả, thầy đã áp dụng phương pháp dạy học hiện đại thông qua các mô hình, bức vẽ, sơ đồ tư duy, tạo cơ hội cho học sinh trình bày trước lớp để nhớ kiến thức lâu hơn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/day-mon-giao-duc-dia-phuong-khong-con-truyen-thu-mot-chieu-post619639.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/day-mon-giao-duc-dia-phuong-khong-con-truyen-thu-mot-chieu-post619639.html
Bài liên quan
Hỗ trợ các địa phương triển khai tài liệu giáo dục địa phương
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan có giải pháp hỗ trợ kịp thời các địa phương triển khai thực hiện tài liệu giáo dục địa phương; bố trí thời gian học của các cơ sở giáo dục bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy môn Giáo dục địa phương không còn truyền thụ một chiều