Dạy và học trực tuyến kéo dài gây ra các vấn đề liên quan sức khỏe

PV | 09/11/2021, 20:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 9/11, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cho rằng việc học trực tuyến không thay thế được trực tiếp. Nhưng nó là giải pháp tối ưu để đảm bảo cung cấp kiến thức, sự an toàn cho người học...

 Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh). Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân

Chất lượng dạy và học trực tuyến chưa được đảm bảo do nhiều yếu tố

Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng chỉ ra những đột phá trong việc dạy và học trực tuyến thì vẫn tồn tại những khó khăn, bất cập. Thứ nhất, chất lượng việc dạy và học chưa được đảm bảo, do rất nhiều yếu tố khách quan đem lại như: Chất lượng của đường truyền không ổn định, một bộ phận thầy, cô giáo, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Chất lượng dạy học trực tuyến bị ảnh hưởng một phần bởi thiết bị sử dụng dạy học còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thực tế.

Thứ hai, theo đại biểu Quốc hội việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài, học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè, trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến, giáo viên nảy sinh áp lực tâm lý khi một tiết dạy trăm mắt nhìn, khán, thính giả của giáo viên trong giờ học trực tuyến giờ đây không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh học sinh, dư luận và cả mạng xã hội.

Liên quan đến tuyển sinh đại học, đại biểu tỉnh Bắc Ninh nêu vấn đề: Trong kỳ tuyển sinh đại học vừa qua điểm chuẩn đầu vào của nhiều trường đại học tăng mạnh và việc nhiều thí sinh điểm gần như tuyệt đối vẫn trượt đại học là vấn đề cần được xem xét. Năm học 2020-2021 tại nhiều địa phương học sinh phải ôn tập trực tuyến thay vì đến trường học trực tiếp nhiều tháng trước kì thi. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến kiến thức, kỹ năng làm bài của các em học sinh. Bộ GD&ĐT đã thiết kế đề thi rất phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp THPT, chính vì vậy, điểm thi tốt nghiệp THPT của các em khá tốt.

“Bài toán về xét tuyển đại học rất cam go, câu chuyện điểm cao, điểm gần như tuyệt đối vẫn không đỗ nguyện vọng một hoặc trượt đại học không phải là câu chuyện mới. Nhưng nếu tiếp tục phát triển thì liệu các trường đại học có bỏ sót tài năng thực sự và liệu học sinh còn thực sự tin tưởng vào năng lực của bản thân hay không?”- đại biểu Nguyễn Thị Hà băn khoăn.

Xây dựng phần mềm quản lý việc dạy trực tuyến phù hợp, hiệu quả, thân thiện với người dùng

Từ những khó khăn trên, đại biểu đề xuất Chính phủ giao các bộ hữu quan có kế hoạch nâng cấp đường truyền để đảm bảo chất lượng băng thông luôn ổn định, mở rộng nhiều đối tượng được tiếp cận với chương trình sóng và máy tính cho em. Nghiên cứu các hình thức thu hút doanh nghiệp thực sự tham gia vào chương trình để sớm đạt được mục tiêu không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Chỉ đạo các bộ hữu quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy, học và tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp, hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng. Tăng cường tập huấn việc sử dụng công nghệ thông tin nói chung và việc sử dụng các phần mềm dạy học hữu ích nói riêng cho giáo viên và học sinh để nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến ngay cả khi không có dịch xảy ra.

Đồng thời có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tổ chức nhiều chương trình đối thoại, trao đổi giữa cấp quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh để chia sẻ và cởi bỏ áp lực tâm lý của các bên khi học trực tuyến kéo dài.

Liên quan đến tuyển sinh đại học, đại biểu cũng đề xuất Bộ GD&ĐT nghiên cứu lại các phương thức xét tuyển đại học, tìm giải pháp mở cánh cửa cho những học sinh điểm cao có thể vào được đúng trường đại học mơ ước, cũng như giải bài toán hướng nghiệp để đặt mục tiêu khuyến học và lựa chọn nhân tài lên cao nhất.

Bài liên quan
Thêm 6 địa phương chuyển sang học trực tuyến
Tính đến ngày 8/10, cả nước có 23 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp tại trường, 9 địa phương khác kết hợp trực tiếp với trực tuyến, qua truyền hình và 31 tỉnh dạy học trực tuyến do ảnh hưởng Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy và học trực tuyến kéo dài gây ra các vấn đề liên quan sức khỏe