Đề nghị đưa ra chiến lược trong biên soạn SGK đảm bảo bền vững tương đối

02/08/2023, 13:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, đưa ra chiến lược trong biên soạn SGK đảm bảo bền vững tương đối; không thay đổi thường xuyên vì gây lãng phí.

Đây là một nội dung trong đề xuất, kiến nghị tại báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp tình hình nhân dân về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022.

Báo cáo được đưa ra tại Hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 2/8. Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự Hội nghị.

Trong Báo cáo nêu rõ các nội dung về: việc đáp ứng nội dung đổi mới của Chương trình; mức độ phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh; đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới đánh giá chất lượng (thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh); về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; các điều kiện đảm bảo triển khai, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa… với cả những ưu điểm và hạn chế. Từ đó, đưa ra đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ; Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan.

Báo cáo cho biết: Nhân dân đồng tình và ủng hộ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 “về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, kịp thời để đổi mới phương pháp, nội dung giáo dục phù hợp với tình hình chung về công tác giáo dục trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với tình hình mới hiện nay; thể chế hoá việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, lộ trình để triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội “về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Với Chương trình GDPT 2018, nhân dân đồng tình và đánh giá cao Chương trình đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW.

Chương trình được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời.

Việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước được cấp uỷ, chính quyền quan tâm tổ chức triển khai thực hiện trong các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp, đảm bảo đạt mục tiêu giáo dục.

Nhiều ý kiến nhân dân đánh giá cao Chương trình GDPT 2018 tập trung vào nội dung và phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm. Chương trình này phát huy tính tích cực của người học, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Chương trình cũng bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh.

Đề nghị đưa ra chiến lược trong biên soạn SGK đảm bảo bền vững tương đối ảnh 1

Chuyên gia phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh nhiều nội dung được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, báo cáo cũng cho biết, còn nhiều ý kiến băn khoăn về điều kiện thực hiện chương trình (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất); việc một số trường học đưa danh mục có sự không rõ ràng giữa sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, sách bài tập - dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều; giá sách giáo khoa nhiều thời điểm tăng cao; bỡ ngỡ trong lựa chọn môn học ở THPT…

Từ thực tế đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất Quốc hội nghiên cứu và đưa ra chiến lược trong biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo tính bền vững tương đối; không nên thay đổi thường xuyên vì gây lãng phí;

Đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp cơ cấu, sắp xếp đội ngũ giáo viên một cách hợp lý để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên tại một địa phương, một số cơ sở giáo dục. Chính phủ tổ chức giám sát, kiểm tra việc có hay không lợi ích nhóm trong việc lựa chọn bộ sách giảng dạy, thiết bị học tập ở các địa phương.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ tăng cường biên chế giáo viên cho các cở sở giáo dục để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018; quy định về định mức biên chế giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông để thay thế các quy định không còn phù hợp. Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; mở các lớp tập huấn tại địa phương để đội ngũ giáo viên được tập huấn trực tiếp...

Tại hội nghị, các nhà giáo, nhà khoa học đã chia sẻ, trao đổi tập trung vào các nhóm vấn đề: Đội ngũ nhà giáo; xã hội hóa giáo dục; chính sách cho giáo dục, trong đó có chính sách cho nhà giáo, ngân sách và đầu tư cho giáo dục; việc biên soạn, phát hành, giá sách giáo khoa; điều kiện thực hiện đổi mới; phân luồng sau THCS; định hướng chiến lược cho GD-ĐT một cách lâu dài...

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã chia sẻ, trao đổi cụ thể xung quanh những nội dung được các nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm tại Hội nghị. Thứ trưởng khẳng định tinh thần cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến trao đổi, góp ý. Với vấn đề mới, khó, tác động lớn như đổi mới giáo dục phổ thông, càng cần phát huy tinh thần này; nhưng đồng thời cũng phải có quan điểm, lập trường - bằng khoa học, khảo sát, đánh giá, đúc kết.

So với chương trình hiện hành, học sinh đã được tiếp cận Chương trình GDPT 2018 một cách nhẹ nhàng, giáo viên chủ động, sáng tạo trong dạy học. Học sinh được đánh giá tự tin và tích cực hơn trong quá trình học tập, đọc thông, viết thạo hơn, đạt được phẩm chất, năng lực cần thiết; nắm chắc được các kiến thức cơ bản của từng môn học theo yêu cầu cần đạt; biết vận dụng có hiệu quả các kiến thức đã học, thực hành được các kĩ năng theo yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học.

Học sinh đạt được các phẩm chất và năng lực (năng lực chung, năng lực đặc thù) theo yêu cầu; đa số các em mạnh dạn trong giao tiếp, biết hợp tác với bạn bè để giải quyết vấn đề và có sáng tạo, sống hòa đồng với bạn bè, yêu quý thầy cô và gia đình…

Trích báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp tình hình nhân dân về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022.

Bài liên quan
Viết văn theo Chương trình GDPT 2018: Những thay đổi không thể bỏ qua
Đối với chương trình Ngữ văn 2018, việc dạy viết không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt cho từng kiểu bài cụ thể...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị đưa ra chiến lược trong biên soạn SGK đảm bảo bền vững tương đối