Bia văn chỉ “Lịch đại tiên hiền bi” dựng năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) của xã Hoạch Trạch, huyện Đường An thì cả Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi đều là “người làng Mộ Trạch. Đỗ Thái học sĩ khoa Giáp Thìn”. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì chưa thể xác định chính xác Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi đỗ khoa thi nào.
Một trường hợp khác là Lê Cảnh Tuân cũng đỗ Thái học sinh. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép Lê Cảnh Tuân “người huyện Đường An... Lúc trẻ có chí khí, đỗ Thái học sinh triều Trần”. GS Nguyễn Huệ Chi cũng khẳng định, Lê Cảnh Tuân đỗ Thái học sinh năm 1381. Tuy nhiên, có tài liệu cho rằng ông thi đỗ Thái học sinh vào đời nhà Hồ.
Truyền thống khoa bảng của làng tiếp tục với Vũ Đức Lâm, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (1448). Từ đó, Mộ Trạch bước vào thời kỳ phát tích khoa bảng rực rỡ chưa từng có trong lịch sử khoa cử của làng cũng như trong cả nước.
Trong khoảng thời gian từ 1428 - 1789, làng Mộ Trạch đã có đến 36 vị đỗ tiến sĩ, hàng trăm người đỗ hương cống, sinh đồ, tú tài. Nhiều người trong số các đại khoa giữ các chức vụ trọng yếu trong triều đình phong kiến các thời đại. Mộ Trạch cũng là nơi xuất thân của 5 trạng gồm: Trạng chữ Lê Nại, Trạng toán Vũ Hữu, Trạng cờ Vũ Huyến, Trạng vật Vũ Phong và Trạng chạy Vũ Cương Trực.
Theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu, trong số 36 tiến sĩ của làng Mộ Trạch thì có 29 người họ Vũ, 5 người họ Lê, 1 người họ Nhữ, 1 người Nguyễn. Khoa thi năm 1656 đời vua Lê Thần Tông, số thí sinh tham dự lên đến 3.000 người, nhưng chỉ 6 người đỗ tiến sĩ, trong đó riêng làng Mộ Trạch đã có 3 người và cả 3 người này đều là họ Vũ.
“Đăng khoa lục sưu giảng” mô tả: “Họ Vũ làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Khoa giáp rất thịnh, thường mỗi khoa hai ba người đỗ cùng khóa, anh em chú cháu làm quan đầy triều.
Thời bấy giờ các quan triều nói đùa rằng: Các ông họ Vũ bàn việc họ, việc làng tại triều đình à?”. Cũng do Mộ Trạch có nhiều người làm quan lớn trong Triều nên thời xưa có câu: “Mộ Trạch họp làng tại kinh đô”.
Tài năng bằng nửa thiên hạ
Theo sử liệu, khi thấy làng Mộ Trạch có nhiều người đỗ đạt, triều đình có sự ngờ vực nên bí mật rà xét lại việc thi cử. Khoa thi Kỷ Hợi năm Vĩnh Thọ (1659) triều vua Lê Thần Tông, triều đình chọn một vị quan giám khảo ra đề rất khó.
Các thí sinh mỗi người phải ngồi trong một hố sâu làm bài thi, trên mỗi hố lại úp một lồng để ngăn cách, quan giám khảo ngồi trên lều cao kiểm soát rất chặt chẽ.
Khi công bố kết quả, làng Mộ Trạch có tới 4 người đỗ tiến sĩ được xướng tên bảng vàng là: Vũ Cầu Hối, Vũ Bật Hài, Vũ Công Đạo, Lê Công Triều; khiến vua hết sức kinh ngạc, khâm phục và tin dùng. Xét lại chuyện cũ, vua Tự Đức đã phải thốt lên và ban tặng lời vàng: “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” (Mộ Trạch tài năng bằng nửa thiên hạ).
Làng Mộ Trạch cũng là quê hương của Trạng cờ Vũ Huyên - người chỉ với 10 nước cờ giúp vua thắng sứ thần phương Bắc bằng mẹo đánh cờ giữa trưa nắng để chỉ nước đi cho vua qua kẽ tia nắng của chiếc lọng.
Trạng toán Vũ Hữu - người tính toán xây dựng cổng thành Thăng Long không thừa không thiếu một viên gạch và cũng là tác giả cuốn sách “Lập thành toán pháp. Trạng vật Vũ Phong, Trạng chạy Vũ Cương Trực và Trạng chữ Lê Nai.
Theo các cao niên Mộ Trạch, thời xưa thí sinh của làng muốn lên Kinh thành dự thi đều phải đăng ký vào sổ thi của làng, và dứt khoát phải vượt qua kỳ thi thử tại Quán Kỳ Anh do làng lập ra.
Tại kỳ thi thử, những người từng đỗ đạt cao của làng sẽ làm nhiệm vụ khảo xét, đánh giá và bồi dưỡng lớp con em để họ có đủ năng lực và phẩm chất trước khi thi tài với thiên hạ.
Là làng khoa bảng nổi tiếng, Mộ Trạch cũng có những địa điểm là nơi tụ hội của các kẻ sĩ, tao nhân mặc khách bình luận thơ văn, các sĩ tử khảo hạch trước kỳ thi. Một trong số đó là “Quán Tứ Đạt” nằm ở bên trái làng tức “tả thanh long”.
“Quán Đồng Quan” ở phía trước làng, nơi các kẻ sĩ thường tụ họp bình luận kinh sách, thưởng nguyệt, làm thơ. “Gò Chi Long” bên phải làng tức “hữu bạch hổ” có 3 cái đống - là nơi dân làng tụ họp đón các sĩ tử vinh quy bái tổ.
“Quán Kỳ Anh” nằm phía Nam của làng, là nơi các quan lớn triều đình sau khi nghỉ hưu về làng tụ họp cùng đám thanh niên vui đùa, dạy bảo chia sẻ kinh nghiệm cho lớp con cháu. “Quán Hoàng Oanh” rộng rãi, non nước bao quanh, là nơi làng sát hạch các sĩ tử trước kỳ thi hương.