Phản ứng trước đề xuất này, chị Trần Kim Đậm, công nhân một doanh nghiệp tại huyện Hóc Môn, TP HCM chia sẻ: "Phần của người sử dụng lao động đóng (14%) bản chất cũng là do người lao động đóng, nếu DN không đóng phần này thì sẽ chuyển thành tiền lương cho người lao động. Nếu đề xuất giữ lại 14% thì ban soạn thảo phải giải thích rõ lý do để NLĐ an tâm".
Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp tại TP Thủ Đức, TP HCM, bày tỏ: "Đề xuất chỉ được rút 8% bảo hiểm xã hội 1 lần là không hợp lý, gây thiệt thòi cho người lao động. Dù 14% đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng là phần của người sử dụng lao động, thì cũng có công sức làm việc của người lao động. Theo tôi, để hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần, cần có giải pháp căn cơ hơn chứ không phải giải pháp đẩy phần khó về phía người lao động như vậy".
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng
Liên quan đến đề xuất này, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng từng góp ý bằng văn bản với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong đó, đại diện người lao động đồng tình cần có quy định để giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong những năm qua, tránh những áp lực về tài chính cho họ khi lớn tuổi. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, do đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, tránh tâm lý hoang mang trong nhân dân và người lao động. Cần cân nhắc để quy định lộ trình áp dụng thay đổi mức hưởng cho phù hợp, tránh gây "sốc" cho người lao động.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện tại, với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm, tổng mức đóng BHXH của mỗi người lao động là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014, và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ bị thiệt khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014, và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014.
Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến cáo, với những khó khăn trước mắt, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH. Khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện để được cộng nối thời gian tham gia trước đó để hưởng chế độ hưu trí.