'Đêm dài ngóng trông' của giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm

28/07/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vẫn còn tình trạng giáo viên mầm non lâu năm gõ cửa nhiều nơi với mong muốn được tuyển dụng theo đúng hướng dẫn của bộ/ngành...

Sau nhiều năm chờ đợi, hàng trăm giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGD ĐT- BTC- BNV (viết tắt là hợp đồng diện 06, 09) của Nghệ An chính thức được tuyển dụng vào biên chế.

Nhưng vẫn còn tình trạng giáo viên mầm non lâu năm gõ cửa nhiều nơi với mong muốn được tuyển dụng theo đúng hướng dẫn của bộ/ngành. Giáo viên mầm non tại Phú Thọ là một ví dụ.

Niềm vui sau nhiều năm chờ đợi

Cách đây gần 1 năm, cô Nguyễn Thị Nga chính thức trúng tuyển viên chức ngành Giáo dục, là giáo viên Trường Mầm non Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An). Đến lúc này, cô vẫn không giấu nổi niềm vui được vào biên chế sau hàng chục năm đằng đẵng là giáo viên hợp đồng. Trước đó, năm 2012 cô tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ An và làm nhân viên hợp đồng thiết bị, thư viện ở trường THCS trên địa bàn huyện Con Cuông.

Đến năm 2018, huyện Con Cuông triển khai tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 của Chính phủ. Cô Nga quyết định học thêm bằng trung cấp mầm non để ứng tuyển vị trí này. Kết quả, cô trúng tuyển và trở thành giáo viên mầm non hợp đồng theo Thông tư 09 tại Trường Mầm non Lạng Khê.

Trong suốt thời gian dạy hợp đồng, cô cũng đã thi và học liên thông lên cao đẳng rồi đại học sư phạm mầm non. “Ban giám hiệu động viên tôi đi học chuẩn hóa bằng cấp, để khi có cơ hội tuyển dụng thì ứng tuyển chính thức vào ngành”, cô Nga cho hay.

Khó khăn nhất đối với cô Nguyễn Thị Nga là từ đầu năm 2022, khi Nghị định 06 và Thông tư 09 hết hiệu lực, ngân sách Trung ương chi trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng theo các văn bản này cũng bị cắt. “Thời điểm đó, tôi bị chậm lương 6 - 7 tháng liền, trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vất vả.

Chồng vừa mất sau tai nạn bất ngờ, một mình nuôi 2 con nhỏ… dù không nói ra nhưng trong thâm tâm rất lo lắng không biết mình còn cơ hội nữa hay không. Thậm chí có lúc chán nản đã nghĩ đến việc bỏ nghề, đi xuất khẩu lao động kiếm tiền nuôi con…”, nữ nhà giáo tâm sự.

“Tôi có quyết định chính thức từ ngày 1/8/2022, bậc lương được nối tiếp từ thời gian dạy hợp đồng. Hiện nay, cộng lương và phụ cấp dạy học tại xã đặc biệt khó khăn, thu nhập của tôi là hơn 5 triệu/tháng. Dù còn nhiều vất vả nhưng được vào biên chế giúp tôi yên tâm công tác, ổn định cuộc sống”, cô Nga xúc động nói.

Trong giai đoạn khó khăn đó, cô Nga chia sẻ được sự động viên của Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường, cho tạm ứng lương để xoay xở cuộc sống, tiếp tục bám nghề. Sau thời gian chờ đợi, đến cuối năm 2022, huyện Con Cuông được phân bổ chỉ tiêu giáo viên mầm non và ra thông báo tuyển dụng, trong đó ưu tiên trường hợp diện hợp đồng 06, 09.

Cô Nguyễn Tuyết Trinh (Trường Mầm non Bình Minh, thị xã Cửa Lò) vừa nhận quyết định tuyển dụng chính thức, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Đây cũng là điều mong mỏi, chờ đợi của cô giáo trẻ suốt 8 năm qua. Cô Trinh tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non và bắt đầu dạy hợp đồng trường từ năm 2015.

Đến năm 2016 cô thi và trúng tuyển làm giáo viên hợp đồng theo Thông tư 09 tại Trường Mầm non Bình Minh. Từ đó, cô luôn nỗ lực phấn đấu, có nhiều sáng tạo trong công tác chuyên môn, chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là giai đoạn trường học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cô Trinh đã hoàn thành học liên thông và tốt nghiệp ĐH sư phạm Mầm non, tham gia thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp thị xã… “Trong thời gian công tác, đối với giáo viên diện 06, 09 như chúng tôi có gặp trắc trở bị chậm lương, chưa có chính sách tuyển dụng… Công việc của giáo viên mầm non rất vất vả, nhưng dạy học nhiều, bản thân tôi đã gắn bó, dành tình cảm với trẻ, yêu nghề. Vì vậy, tôi vẫn tâm huyết bám trụ với nghề và chờ cơ hội”, cô Trinh chia sẻ.

Cuối tháng 5 vừa qua, thị xã Cửa Lò ra thông báo tuyển dụng viên chức đối với giáo viên mầm non với 2 vòng xét tuyển hồ sơ và thi phỏng vấn. Theo cô Trinh, trước khi thi tuyển, giáo viên diện hợp đồng 06, 09 cũng được hội đồng tuyển dụng thị xã gặp mặt, động viên, phổ biến rõ tiêu chuẩn, quy chế tuyển dụng viên chức.

“Trước kỳ thi, tôi có chút lo lắng, hồi hộp nhưng cũng mong chờ vì đây là cơ hội mà tôi đã đợi suốt nhiều năm qua. Quá trình thi tuyển, các câu hỏi phỏng vấn về luật Viên chức, thực tế nuôi dạy, chăm sóc trẻ… nên với kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được tôi trả lời khá thuận lợi. Kết quả trúng tuyển là niềm vui lớn đối với tôi để tiếp tục phấn đấu, cống hiến”, cô Tuyết Trinh chia sẻ.

'Đêm dài ngóng trông' của giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm ảnh 1

Giờ học của cô trò Trường Mầm non Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Sớm triển khai với địa phương còn lại

Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lạng Khê (huyện Con Cuông), chia sẻ, trường có 5 giáo viên mầm non diện hợp đồng 06, 09 đều được tuyển dụng vào biên chế. Đây không chỉ là niềm vui của cá nhân giáo viên sau nhiều năm mong ngóng, mà còn là tin mừng đối với toàn trường.

“Lạng Khê là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, hiện còn 3 điểm lẻ ở các bản Đồng Tiến, Chôm Lôm, Yên Hòa. Những năm qua, nhờ có đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng, nhà trường mới hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ ở các nhóm lớp và tất cả điểm trường. Dù dạy hợp đồng, nhưng các cô đều được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn, nhiệt tình, yêu trẻ, bám trường. Có cô còn đạt giáo viên giỏi cấp huyện. Việc được tuyển dụng là xứng đáng với các nhà giáo”, cô Hà cho hay.

Con Cuông một trong những địa phương sớm hoàn thành tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng diện 06, 09 vào biên chế của tỉnh Nghệ An. Ông Lê Thanh An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay: Các giáo viên khi tham gia tuyển dụng đều đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 và không có trường hợp nào tồn đọng, hoặc chờ bằng cấp theo quy định.

Song song với tuyển hết giáo viên diện hợp đồng diện 06, 09, huyện cũng đã hoàn thành tuyển mới giáo viên trong chỉ tiêu được tỉnh giao năm học 2022 - 2023. Với việc bổ sung đội ngũ này, giáo dục mầm non của huyện Con Cuông cơ bản đảm bảo đủ tỷ lệ giáo viên/lớp.

Tương tự, huyện Nghĩa Đàn cũng tuyển hết số giáo viên mầm non hợp đồng 06, 09 vào viên chức. Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT, với vai trò là đơn vị tham mưu, phòng đã tích cực rà soát, cùng với phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch gửi UBND huyện trình các cấp phê duyệt và ra thông báo tuyển dụng.

Mục đích giải quyết chế độ quyền lợi cho giáo viên càng sớm, càng tốt. Hiện hơn 70 giáo viên mầm non hợp đồng diện 06, 09 đã tuyển dụng xong. Bên cạnh đó, huyện vẫn còn một số chỉ tiêu cho bậc mầm non và đang làm tờ trình gửi Sở Nội vụ xin tuyển mới.

Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 9 địa phương cấp huyện hoàn thành việc tuyển dụng đối với giáo viên mầm non hợp đồng dạng 06 và 09. Còn 12 địa phương khác vẫn trong quá trình triển khai. Hiện, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo sở Nội vụ phối hợp với sở GD&ĐT tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện tuyển dụng giáo viên xong trước ngày 30/8/2023 để chuẩn bị giáo viên cho năm học mới.

'Đêm dài ngóng trông' của giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm ảnh 2

Ảnh minh họa.

Vẫn còn đêm dài mong ngóng

Để tạo điều kiện cho giáo viên hợp đồng lâu năm, Sở GD&DT Nghệ An có hướng dẫn, trong quá trình tuyển dụng, trường hợp giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2005 nhưng chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 thì việc tuyển dụng thực hiện theo 2 hướng.

Thứ nhất, xét tuyển đặc cách với người có hợp đồng lao động và đóng BHXH trước ngày 31/12/2015 theo văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Sau khi tuyển dụng, giáo viên phải cam kết (hoặc được bố trí) đào tạo theo lộ trình nâng trình độ đạt chuẩn quy định.

Trường hợp hợp đồng sau 31/12/2015, địa phương phải trừ chỉ tiêu biên chế cho những giáo viên này, đồng thời yêu cầu khẩn trương tham gia học, có bằng cấp đảm bảo chuẩn trình độ theo Luật và ứng tuyển. Thời gian tuyển dụng đối với các trường hợp này hoàn thành trước ngày 31/12/2025.

Tại Phú Thọ, sau khi UBND Phú Thọ ban hành kế hoạch tuyển dụng giáo viên mầm non năm 2023, nhiều giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm tỏ ra lo lắng vì tỉnh không đề cập đến việc tuyển dụng đặc cách theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ.

Trước lo lắng của giáo viên, ngày 19/7, Bộ Nội vụ đã có Văn bản số 3820 gửi UBND tỉnh Phú Thọ nêu rõ: Để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ 2015 trở về trước.

Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ báo cáo tình hình thực hiện Công văn 5378/BNV-CCVC, trong đó, báo cáo về số lượng giáo viên hợp đồng từ năm 2015 trở về trước đã được tuyển dụng; vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập tại thời điểm năm 2019 khi đã tuyển dụng đặc cách theo Công văn số 5378… Trường hợp UBND tỉnh Phú Thọ không triển khai việc xét tuyển theo hướng dẫn tại Công văn 5378/BNV-CCVC, đề nghị báo cáo rõ lý do, nguyên nhân.

Không thể chờ đợi, chiều 25/7, khoảng gần 50 giáo viên mầm non đã tới UBND tỉnh Phú Thọ để chia sẻ tâm tư, đề đạt nguyện vọng được tuyển dụng đặc cách. Buổi làm việc được tổ chức tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh với sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Ngày 27/7, tỉnh Phú Thọ tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện báo cáo gửi Bộ Nội vụ theo quy định. Trong thời gian này, một số nhà giáo đã đến Bộ Nội vụ với mong muốn được bày tỏ nghĩ suy, trăn trở sau hàng chục năm gắn bó với nghề.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đêm dài ngóng trông' của giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm