Theo Luật Cư trú, kể từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng. Việc quản lý cư trú của người dân tại địa bàn thực hiện theo hình thức số hóa trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã định danh. Do đó, việc TPHCM thí điểm công tác tuyển sinh đầu cấp không phân tuyến, triển khai trên cơ sở cư trú thực tế của người dân, không yêu cầu hộ khẩu là hướng đi phù hợp, tích cực, được đông đảo người dân và cán bộ quản lý hoan nghênh. Cách làm này không chỉ đẩy mạnh chuyển đổi số trong tuyển sinh, mà còn góp phần xóa nạn chạy trường bằng hộ khẩu, bảo đảm mỗi học sinh dù thường trú hay tạm trú đều được học ở ngôi trường gần nhất.
Các quận ở TPHCM dự kiến thí điểm đang chỉ đạo phường phối hợp với lực lượng công an rà soát số học sinh trong độ tuổi vào học lớp đầu cấp trên địa bàn. Dữ liệu liên quan đến học sinh sẽ được cập nhật đầy đủ. Từ đó, phòng GD&ĐT sẽ tham mưu UBND quận để phân bố chỗ học cho học sinh, không phân biệt diện thường trú hay tạm trú.
Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, việc tuyển sinh không theo phân tuyến địa giới hành chính dự kiến cũng phát sinh một số vấn đề cần giải quyết. Thay vì chạy hộ khẩu, có thể chạy nơi cư trú hay không? Trường hợp nào mới cư trú, cư trú thật hay ảo, trường hợp nào là “cư trú tập thể” và tính mốc thời gian cư trú thực tế bao lâu là hợp lý? Nếu trường hết chỗ học mà có nhiều học sinh ở cùng khoảng cách thì sử dụng tiêu chí phụ như thế nào?
Sau khi có kết quả phân bố trường học, nếu học sinh thay đổi nơi cư trú thì có cần làm lại hồ sơ nhập học hay không... là những vấn đề ngành Giáo dục và các địa phương cần tính toán. Có như thế mới bảo đảm chỗ học gần nhà cho học sinh một cách công bằng, khách quan, góp phần dẹp được nạn “chạy” trường.