Điểm sáng của Chương trình Ngữ văn 2018

31/12/2023, 07:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chương trình Ngữ văn 2018 khi mới bắt đầu thực hiện đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Theo tinh thần mở, không chỉ người biên soạn sách giáo khoa mà giáo viên cũng có quyền chọn văn bản làm ngữ liệu dạy học. Điều này giúp chương trình gắn với cuộc sống hơn, gần gũi với học sinh, tạo hứng thú cho việc học tập.

Với bài học Vẻ đẹp của thơ ca, giáo viên được quyền/ nên chọn các văn bản thơ của các tác giả đương đại như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Vi Thùy Linh… để giới thiệu với học sinh, phục vụ cho phần viết văn bản đánh giá một tác phẩm thơ.

Người học sẽ thấy rõ đội ngũ sáng tác phong phú hơn trước rất nhiều. Tiếng nói văn chương không còn xa lạ đến mức phải đau khổ: Học những điều này để làm gì? Văn chương tồn tại khi người đọc thích thú, chủ động lĩnh hội, diễn giải không ngừng bằng kinh nghiệm thẩm mỹ và trải nghiệm thực tiễn.

Giải quyết được bài toán “văn mẫu”

Đổi mới luôn là yêu cầu cấp thiết với mọi ngành nghề. Đổi mới giáo dục cấp thiết hơn bởi đó là con đường gần như duy nhất để toàn xã hội phát triển đi lên. Đổi mới môn Ngữ văn cũng nằm trong tính tất yếu của sự đổi mới. Chúng ta phải bình tâm nhìn thẳng vào những ưu điểm và cả hạn chế của cuộc đổi mới lần này, để từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại của chương trình. Nếu được như vậy, tôi tin rằng, không chỉ môn Ngữ văn mà tất cả môn học khác sẽ đạt được mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.

Tính mở ngữ liệu sách giáo khoa đã đưa đến ngữ liệu mở ở đề kiểm tra/ đề thi. Đây là ưu điểm có tính cách mạng nhất, đáng trông đợi nhất của chương trình Ngữ văn mới. Nhờ đó, chấm dứt tình trạng văn mẫu, giáo viên phân tích sẵn cho học sinh chép rồi viết trả lại trong bài thi.

Chấm dứt tình trạng đoán đề, học tủ (biết chắc đề sẽ rơi vào từng đó tác phẩm thì cớ gì lại không học thuộc lòng, không tủ?). Chấm dứt tình trạng làm mới/ lách việc học tủ bằng cách phản khoa học - phi nghệ thuật: Cắt một đoạn văn bản tác phẩm, yêu cầu học sinh cảm nhận và khái quát những vấn đề quá lớn.

Tình trạng thi thế nào thì dạy học thế ấy cũng không còn đất sống. Toàn bộ quá trình dạy học là quá trình luyện thi, phục vụ cho việc giải những cái đề thiếu sáng tạo, lý giải những vấn đề rất self help - rèn luyện bản thân (phần đọc hiểu, nghị luận xã hội), học sinh không có được năng lực phẩm chất nào đáng kể ngoài việc học thuộc văn mẫu và giải đề theo mẫu có sẵn dần được khắc phục.

Sẽ có ý kiến cho rằng không bao giờ chấm dứt được tình trạng luyện thi, vì đề kiểu mới thì... luyện kiểu mới. Đúng, nhưng với dạng đề mở, không lấy ngữ liệu cố định ở sách giáo khoa, việc dạy học và luyện thi (nếu có) cũng không thể theo kiểu cóp - dán như đã từng.

Trong công trình Tác phẩm mở, Umberto Eco cho rằng, “Tính chất mở là điều kiện của mọi sự thưởng thức thẩm mỹ, và tất cả mọi hình thức thưởng thức, nếu mang giá trị thẩm mỹ, đều mở”. Ngữ liệu mở là cơ sở đầu tiên để mở trong tiếp nhận, thưởng thức. Chương trình Ngữ văn 2018 quyết liệt thực hiện điều này gần như là cuộc cách mạng để xóa bỏ “niềm đau dai dẳng”: Văn mẫu, học sinh cảm nhận tác phẩm bằng cách hiểu của thầy cô.

Nhìn về một hướng

Như đã nói, Chương trình Ngữ văn 2018 với nhiều điểm mới mang tính cách mạng đã thực hiện một năm ở bậc THPT nhưng vẫn còn những điểm bất cập. Nhưng đồng lòng nhìn về một hướng để giải quyết điều còn hạn chế mới là con đường sáng suốt.

Trước hết, mỗi giáo viên phải dũng cảm “chia tay” với cách dạy cũ – cách dạy thuyết giảng, dù biết rằng thay đổi một cách dạy quen thuộc là điều rất khó, nhưng chỉ có như thế mới đáp ứng được mục tiêu của chương trình mới.

Mặt khác, giáo viên cũng phải hiểu rõ rằng thay đổi phương pháp không có nghĩa là lạm dụng các phương tiện - kỹ thuật dạy học hiện đại. Cụ thể như phương pháp thảo luận nhóm, phiếu học tập, sơ đồ tư duy, sân khấu hóa... đang bị lạm dụng/sử dụng sai cách, góp phần phá hỏng tiết dạy học văn.

Thảo luận nhóm chỉ sử dụng khi vấn đề có thể nảy sinh tranh luận trái chiều, không thể thảo luận nhóm về một đơn vị kiến thức có sẵn, không thể chia bốn khổ thơ cho bốn tổ thảo luận rồi lần lượt trình bày. Sơ đồ tư duy dùng tùy tiện làm tiêu tốn thời gian và rối não.

Sân khấu hóa chỉ nên dùng cho ngoại khóa. Chúng ta hào hứng với cái mới, nhưng phải nghiên cứu dùng đúng chỗ, dùng như thế nào cho hiệu quả. Sẽ là lo ngại nếu tiết dạy thật ồn ào với bao phương tiện - kỹ thuật mà lại rất rỗng, vô hồn, nặng nề.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/diem-sang-cua-chuong-trinh-ngu-van-2018-post666714.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/diem-sang-cua-chuong-trinh-ngu-van-2018-post666714.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm sáng của Chương trình Ngữ văn 2018