Dinh dưỡng

Dinh dưỡng bữa ăn ngày Tết của trẻ: Thừa nhưng vẫn thiếu

Phạm Hoa - Việt Anh 04/01/2024 10:30

(GDTĐ) - Tết là thời điểm trẻ có thể thỏa thích ăn được nhiều món ngon, lạ miệng đặc biệt là mứt, bánh kẹo. Tuy nhiên, chế độ ăn uống bất thường sẽ khiến trẻ dễ mắc một số bệnh như sâu răng, táo bón, ngộ độc…

Đảm bảo ăn đủ các bữa chính

Các bậc cha mẹ nên cố gắng giữ cho giờ giấc sinh hoạt của trẻ đều đặn, đừng quá chênh lệch so với bình thường, không để trẻ mất bữa. Nên duy trì cho trẻ ngày 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ. Nếu đến bữa ăn của trẻ mà không chuẩn bị kịp đồ ăn thì cho trẻ ăn các món ăn nhẹ thay bữa như bánh flan, uống sữa và các chế phẩm từ sữa, trái cây, các loại hạt, trái cây sấy, ngũ cốc...

Cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn, đó là: nhóm bột đường (cơm, cháo, phở, bún, miến, bánh mỳ….), nhóm chất đạm (thịt, cá trứng, sữa và các chế phẩm sữa…), nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và nhóm vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây…).

Đặc biệt nên chú ý bổ sung đủ rau xanh trong các bữa ăn ngày Tết cho cả gia đình hoặc có thể thay thế bằng quả chín trong trường hợp không tiện chế biến.

dinh-duong-ngay-tet-cho-be.png
Tết là thời điểm trẻ có thể thỏa thích ăn được nhiều món ngon, lạ miệng đặc biệt là mứt, bánh kẹo.

Hạn chế cho con ăn đồ ngọt

Tết đến, nhà nào cũng có bánh kẹo, hoa quả, mứt tết, nước ngọt có gas... Những đồ ăn nhanh này thường chứa rất nhiều đường, vì thế cha mẹ nên hạn chế cho con ăn bởi chúng sẽ lấp đầy dạ dày của con khiến trẻ bỏ bữa, không ăn thức ăn chính. Không những thế, việc ăn quá nhiều đường rất dễ khiến trẻ bị thiếu dinh dưỡng nhưng lại bị thừa cân, béo phì.

Tâm lý các con thường sẽ rất khó chịu và cảm thấy không vui khi cha mẹ không cho trẻ ăn những món mà con yêu thích. Vì thế, cha mẹ nên giải thích cho con rằng vì ăn nhiều đường sẽ không tốt cho sức khỏe của con. Cha mẹ không cấm con ăn mà chỉ nên hạn chế cho bé ăn bánh kẹo, chỉ thưởng thức chút ít sau các bữa chính. Các loại thực phẩm giàu năng lượng như bánh chưng, món chiên rán, chả giò, lạp xưởng chế biến sẵn... nên ăn chừng mực.

Tăng cường rau xanh trong bữa ăn

Với tâm lý "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" bởi thế mà các gia đình thường tụ tập ăn uống thoải mái. Bữa ăn ngày Tết thường nhiều đạm, ít rau xanh.

Thức ăn ngày Tết sẽ khiến con dễ táo bón, ợ nóng, khó tiêu bởi thiếu rau xanh. Vì thế mà mẹ đừng quên tích trữ nhiều rau xanh trong mùa Tết để cung cấp đầy đủ dưỡng chất và hỗ trợ bé tiêu hóa dễ dàng. Mẹ có thể chọn một số loại củ như khoai tây, cà rốt, củ cải, su hào… vì chúng có thể để lâu và chế biến các món giúp trẻ dễ ăn hơn.

anh-minh-hoa.png
Ảnh minh hoạ

Khuyến khích con uống nhiều nước lọc

Bé chắc chắn sẽ thích các loại nước ngọt với đủ hương vị dâu, chanh, táo… hơn là nước lọc. Tuy nhiên, những loại nước ngọt này sẽ khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu dẫn đến việc chán ăn ở trẻ. Mẹ nên hạn chế tối đa việc uống nước ngọt ở trẻ, chỉ nên cho con uống một vài ngụm nhỏ và khuyến khích con uống nước lọc, nước canh.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể bổ sung nước cho con bằng cách cho trẻ uống các loại sữa tươi, sữa công thức vào ngày Tết để bổ sung đều đặn dưỡng chất cho trẻ.

Nói không với đồ ăn tái cho trẻ

Mẹ đặc biệt lưu ý, không cho trẻ ăn đồ tái sống vào dịp Tết. Đồ tái sống thường có trong những bữa ăn lẩu hoặc nướng của gia đình. Các loại thịt như thịt bò, cá thường được bố mẹ nhúng sơ vào nước nóng hoặc nướng chín tái để giữ lại độ mềm ngọt của thịt cá. Tuy nhiên nếu mẹ muốn cho bé thưởng thức thì cần phải nấu (nướng) thật chín để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, ngộ độc ở trẻ bởi hệ tiêu hóa của các con chưa được hoàn thiện như người trưởng thành.

Vào dịp Tết, hẳn cha mẹ nào cũng bận rộn, dù vậy cha mẹ cũng đừng quên chăm sóc trẻ chu đáo bằng những lưu ý ở trên, để trẻ phòng ngừa được bệnh tật và luôn khỏe mạnh, vui tươi trong dịp Tết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dinh dưỡng bữa ăn ngày Tết của trẻ: Thừa nhưng vẫn thiếu