Thời đại 4.0 mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho những người muốn chọn ngành nghề.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các nền tảng mạng xã hội dần trở thành một trong những kênh thông tin ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí là chi phối sự lựa chọn ngành nghề của giới trẻ.
Khảo sát lựa chọn nghề nghiệp và động lực làm việc đã được Adecco Việt Nam (đơn vị tuyển dụng và giải pháp nhân sự - PV) thực hiện với hơn 600 cá nhân ở 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM cho thấy, hơn 48% thế hệ Z (sinh từ năm 1995 - 2015), những thành viên mới nhất của lực lượng lao động, biết đến nghề nghiệp hiện tại của họ qua mạng xã hội.
Theo đó, mạng xã hội đã bỏ xa thông tin từ trường học (18,86%), bạn bè (17,92%) và truyền thông truyền thống (5,66%) để trở thành nguồn thông tin nghề nghiệp hàng đầu.
Đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề để thi đại học, em Đỗ Nhật Quang (17 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, có dự định đăng ký ngành An toàn thông tin tại Học viện Kỹ thuật mật mã. Nhật Quang chia sẻ, ban đầu chỉ tìm hiểu và có mong muốn theo học lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung. Thế nhưng, trong một lần tình cờ giải trí trên nền tảng mạng xã hội, Nhật Quang đã phát hiện ra ngành học được đánh giá là “tiềm năng” này.
“Khi mạng xã hội dần trở thành một phần đời sống thì những vấn nạn về rò rỉ thông tin trên các nền tảng trực tuyến, lợi dụng kẽ hở của công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản,… càng trở nên phổ biến. Vì vậy, một ngành học về bảo mật, chống lại hành động truy cập, sử dụng, phát tán, phá hoại bất hợp pháp là vô cùng cần thiết. Em nghĩ đây là một trong những ngành nghề có nhiều cơ hội phát triển trong thời đại 4.0”, Nhật Quang nói.
Cũng nhờ nền tảng mạng xã hội, chị Trần Hà My (22 tuổi, quê Bắc Ninh) đã có cái nhìn khác về ngành Sư phạm. Hà My chia sẻ, vì bản thân có năng khiếu với ngoại ngữ nên bố mẹ của Hà My đều mong muốn con gái theo ngành Sư phạm tiếng Anh. Thế nhưng Hà My cho rằng, “làm giáo viên thu nhập không cao và không năng động” nên không tán thành định hướng của bố mẹ.
“Khi tìm hiểu trên các nền tảng mạng xã hội, tôi mới thấy thì ra suy nghĩ của mình khá phiến diện. Có rất nhiều thầy cô giỏi, mở những trung tâm rất lớn, đông học sinh theo học. Đồng thời, họ còn trở thành những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, thu hút rất nhiều người theo dõi. Ví dụ như chị Quỳnh Anh với kênh TikTok “Em bé nói tiếng Anh” có hơn 1,4 triệu lượt theo dõi, cũng là một giáo viên ngoại ngữ”, Hà My chia sẻ.
Có thể thấy, hiện nay các em học sinh đã tự tin hơn trong việc lựa chọn ngành nghề, một phần nhờ vào sự phổ biến của các kênh thông tin, sự kết nối từ nhà trường đến thực tế cuộc sống. Không chỉ vậy, các em cũng nhanh chóng nắm bắt được thông tin trong phạm vi toàn cầu. Sự hiện diện dày đặc của các phương tiện truyền thông đại chúng, các nền tảng mạng xã hội trong đời sống hàng ngày đã mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ. Thế nhưng vẫn có những mặt trái mà mạng xã hội luôn tiềm ẩn, một trong số đó là quá tải thông tin.
Chỉ cần gõ dòng chữ “tư vấn ngành học” vào ô tìm kiếm trên TikTok, hàng loạt video tư vấn ngành nghề sẽ hiện ra. Thế nhưng, rất nhiều video có lượt xem cao, có tiêu đề như: “Ba ngành đại học vô dụng”, “Bằng đại học vô dụng bậc nhất trong ngành kinh tế”, “Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam”, “Những ngành học phí tiền nhất Việt Nam” gây ngỡ ngàng cho người xem...
Các video ngắn này lên đến hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn bình luận. Trong video, họ chỉ ra một vài ngành mà theo họ là không nên và không cần học. Tiếp đó, họ nêu ra một vài lý do để thuyết phục, “reo rắc” thông tin tới người xem.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (30 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc nhận xét: “Những ngành nghề như quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, quản lý nhân sự... đều bị đưa vào danh sách “vô dụng” khiến tôi cảm thấy khá khó hiểu. Bản thân tôi trước đây học ngành quản lý nhân sự.
Tôi khẳng định đây không phải ngành “chỉ cần sử dụng kỹ năng mềm” như người này nói, ngược lại cần rất nhiều kỹ năng và kiến thức. Tôi rất bức xúc trước những nội dung cảm tính chỉ dựa trên ý kiến cá nhân như vậy. Nó gây hoang mang đến tâm lý và việc lựa chọn ngành nghề của các em học sinh”.
Anh Trần Thanh Sơn (45 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng không khỏi ngỡ ngàng khi được con trai cho xem những video về “những ngành học vô dụng”. Trong đó có ngành quản trị kinh doanh mà anh định hướng cho con trai.
Anh Sơn cho biết, đã phải mất cả tối để trò chuyện và trấn an con rằng không có chuyện bằng đại học là vô dụng. Mọi chương trình đào tạo ở bậc đại học đều được thẩm định kỹ lưỡng và cập nhật kịp thời để bảo đảm sinh viên theo học được trang bị đầy đủ kỹ năng sau khi ra trường, đáp ứng được nhu cầu công việc. Còn lực học và áp dụng vào thực tiễn được đến đâu là do cá nhân mỗi người.