Đô thị đại học Phố Hiến thành bãi chăn bò, vì đâu nên nỗi?

Bảo Ngọc - Nguyên Bảo | 07/12/2022, 08:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến (TP Hưng Yên và huyện Tiên Lữ) có 10 trường đại học được xây dựng tại đây. Sau 13 năm xây dựng, nhiều mảnh đất ở khu đại học này bị bỏ hoang, thành bãi chăn bò.

Góp phần vào việc phân bổ lại mạng lưới giáo dục đại học, cao đẳng vùng thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng. Thực hiện giãn bớt một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành Hà Nội, tạo điều kiện mở rộng, cải tạo, đầu tư xây mới cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường đại học theo hướng chuẩn hóa.

Quy mô đào tạo của khu đô thị đại học Phố Hiến khoảng 80.000 sinh viên và 500 - 1.000 cán bộ, nhân viên các cơ sở nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.

Kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 5.530 tỉ đồng, trong đó nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng 300ha đất đô thị trong khu đại học khoảng 4.800 tỉ đồng, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước khoảng 730 tỉ đồng.

Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư vào khu đại học Phố Hiến khoảng 3.261,9 tỉ đồng, diện tích đất xây các trường đại học mới đạt khoảng 63,5/771,3ha, đạt tỉ lệ 8,2%. Phần đất xây dựng đô thị đạt 28,52/276,9ha tổng diện tích dự kiến xây đô thị trong khu đại học.

Tuy nhiên, việc triển khai đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến không hiệu quả, mới đây UBND tỉnh Hưng Yên đã đề xuất cho điều chỉnh mục tiêu sử dụng đất khu đại học thành đất xây khu, cụm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, đất đô thị thương mại, dịch vụ để phát triển công trình hạ tầng xã hội, công trình dân sinh.

Mới nhất, tỉnh này có tờ trình Thủ tướng cho kết thúc, đóng lại đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến và thu hẹp lại khu đại học, chỉ giữ lại khoảng 200ha đất để bố trí cho trường đại học nào còn có nhu cầu về xây dựng cơ sở đào tạo.

Xót lòng đô thị đại học để hoang

KhuDh PhoHien-HungYen 1 1(Read-Only)

Khu đô thị đại học Phố Hiến hiện chỉ có Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Chu Văn An (ảnh) xây dựng cơ sở đào tạo tại đây - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Theo quy hoạch, khu đô thị đại học Phố Hiến có quy mô đào tạo khoảng 80.000 sinh viên/năm. Tuy nhiên như đã nói, đến nay mới chỉ có Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Chu Văn An xây dựng cơ sở đào tạo tại đây.

Cả khu đô thị đại học đến nay chỉ có chưa đầy 10 dãy nhà và đang giữa năm học mà đi mỏi chân trong khu đô thị đại học này cũng không thấy bóng sinh viên, giảng viên đâu.

Nhiều phòng học đã để không nhiều năm, bụi phủ kín bàn ghế bên trong giảng đường. Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại hầu hết khu đô thị đại học vẫn là bãi đất hoang rộng thênh thang để cỏ mọc, người dân sống quanh khu đại học đang tận dụng làm nơi chăn thả bò.

Tại khuôn viên của Trường đại học Thủy lợi trong khu đô thị đại học này, những dãy nhà giảng đường, nhà hiệu bộ cao 4 - 5 tầng và hai khu ký túc xá cao tám tầng được xây dựng hiện đại, bề thế nhưng vì vắng sinh viên nên cũng đành chịu thua cỏ dại.

Những người thường trực có mặt ở Trường đại học Thủy lợi là hai bác bảo vệ đã luống tuổi, làm nhiệm vụ gác cổng.

Theo người bảo vệ của trường, cơ sở đào tạo của nhà trường được xây dựng xong từ năm 2017 với đầy đủ thiết bị phục vụ giảng dạy. Riêng khu ký túc xá của trường còn được trang bị cả điều hòa, bình nóng lạnh phục vụ sinh viên lưu trú. Nhưng từ khi xây dựng xong đến nay, rất ít sinh viên đến học.

Cơ sở của trường chủ yếu cho các đơn vị của quân đội thuê để đào tạo giáo dục quốc phòng, an ninh. Thi thoảng nhà trường cũng đưa sinh viên chuyên ngành thủy lợi về thực tập.

Để hạn chế lãng phí cơ sở vật chất đã đầu tư, từ đầu năm 2021 Trường đại học Thủy lợi đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng chuyển đổi cơ sở này thành trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, chuyên đào tạo về nghiệp vụ giáo dục quốc phòng cho sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng khu vực quanh Hà Nội.

Tương tự, tại Trường đại học Chu Văn An những ngày này cả sân trường rộng lớn chỉ thấy bóng nhân viên tạp vụ đang quét dọn và một bảo vệ ngồi gác cổng.

Người bảo vệ trường cho biết cơ sở của trường chủ yếu đào tạo tại chức, liên thông, liên kết nên sinh viên chỉ về học tại trường vào thứ bảy, chủ nhật, những ngày còn lại trong tuần không có sinh viên.

Bà Đào Thị Khuê, một cư dân sống trong khu dân cư thuộc khu đại học Phố Hiến (đường Nguyễn Thiện Thuật, TP Hưng Yên), cho biết thời gian đầu Trường đại học Chu Văn An vừa xây dựng xong còn thấy có sinh viên về học. Bây giờ trường có ít sinh viên về học lắm.

Sinh viên muốn ở nội thành để "dễ sống" và tìm cơ hội

Nguyễn Thị Linh, sinh viên năm nhất Trường đại học Công đoàn, chia sẻ lên Hà Nội học là vì muốn tìm một môi trường học tập mới. Nếu về những cơ sở ở xa thành phố thì có thể sẽ không học hỏi được nhiều.

Cùng quan điểm, Phạm Thị Ngọc Ánh, sinh viên năm hai Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng nếu phải học ở các tỉnh thì cô sinh viên này không sẵn sàng theo học vì học ở trung tâm Hà Nội sẽ thuận lợi hơn trong việc học tập, sinh viên có thể tìm các công ty để làm thực tập sinh, làm quen với công việc trong tương lai.

"Ở những nơi như thế thì không khác gì đang học ở quê như hồi cấp III. Đây là một điều mà sinh viên không hề muốn, nhiều sinh viên chấp nhận ở chật chội, chi tiêu đắt đỏ hơn để có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn chứ không muốn về tỉnh lẻ học tập", Ngọc Ánh nói.

"Trường tôi có khoảng 70% sinh viên vừa đi học vừa đi làm thêm", hiệu trưởng một trường thuộc diện di dời nói.

8 nguyên nhân khiến đề án đô thị đại học bất thành

Theo ông Trần Quốc Văn, chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Hưng Yên, có tám nguyên nhân khiến đề án đô thị đại học bất thành.

1. Chậm bàn giao quy hoạch phân khu dự án.

2. Các trường khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng, vướng trong chuyển đổi tài sản, quyền sử dụng đất cơ sở cũ để tạo vốn xây dựng.

3. Các trường e ngại trong tuyển sinh viên khi chuyển trường về địa điểm mới xa Hà Nội.

4. Việc huy động vốn để giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở mới không bảo đảm kế hoạch.

5. Chưa quyết liệt trong di dời các trường ra khỏi Hà Nội.

6. Đề án khu đại học Phố Hiến là mô hình mới, nhiệm vụ triển khai liên quan nhiều ngành nhưng không được phân công rõ ràng.

7. Dự án triển khai trong thời kỳ thị trường bất động sản đóng băng, khó khăn trong huy động vốn.

8. Hạ tầng xã hội, dịch vụ dân sinh tại khu đô thị đại học Phố Hiến còn thiếu.

Theo tuoitre.vn
https://tuoitre.vn/do-thi-dai-hoc-pho-hien-thanh-bai-chan-bo-vi-dau-nen-noi-20221207075407156.htm
Copy Link
https://tuoitre.vn/do-thi-dai-hoc-pho-hien-thanh-bai-chan-bo-vi-dau-nen-noi-20221207075407156.htm
Bài liên quan
Trường Đại học Kinh tế TPHCM ra mắt ArtTech Fusion Hub
Ngày 4/12,  Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) đã chính thức cho ra mắt ArtTech Fusion Hub.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đô thị đại học Phố Hiến thành bãi chăn bò, vì đâu nên nỗi?