Đoàn tàu này khác với các đoàn tàu cao tốc thông thường ở chỗ nó không chở hành khách và hàng hóa, không có ghế ngồi và cũng không có nhân viên phục vụ. Vậy đoàn tàu cao tốc này có gì đặc biệt và tại sao lại được gọi là "Người dẫn đường"?
Tàu "Người dẫn đường" được sơn màu vàng, khác với màu trắng chủ đạo của các đoàn tàu cao tốc chở khách ở Trung Quốc. Ảnh: Baidu
Theo Baijiahao, điểm độc đáo của đoàn tàu cao tốc "Người dẫn đường" nằm ở nhiệm vụ của nó: không phải để vận chuyển mà là đảm bảo sự vận hành an toàn và ổn định của các tuyến đường sắt cao tốc.
Đoàn tàu cao tốc này khởi hành hàng ngày vào lúc màn đêm buông xuống để kiểm tra và thử nghiệm đường ray, đảm bảo sự an toàn của hệ thống đường sắt cao tốc, mở đường cho các chuyến tàu cao tốc tiếp theo. Đây cũng chính là lý do mà dịch vụ đường sắt cao tốc ở Trung Quốc không khai thác vào ban đêm.
Tàu cao tốc "Người dẫn đường" được trang bị nhiều thiết bị giám sát và công cụ thu thập dữ liệu tiên tiến, có thể theo dõi tình trạng đường ray trong thời gian thực, phát hiện các mối nguy hiểm tiềm ẩn và cung cấp dữ liệu có giá trị cho việc vận hành đường sắt cao tốc an toàn sau này.
Do tính chất đặc thù công việc nên trên chuyến tàu cao tốc này không có người soát vé hay nhân viên phục vụ nào, chỉ có lái tàu cùng một tổ kỹ thuật. Trong lúc tàu cao tốc "Người dẫn đường" đang chạy, các kỹ thuật viên sẽ theo dõi thông số trên các thiết bị để xác định rằng không xảy ra lỗi kỹ thuật hay những tác động ngẫu nhiên bên ngoài như cành cây, sỏi đá gây cản trở hoạt động của chuyến tàu cao tốc.
Khi tàu cao tốc "Người dẫn đường" vận hành suôn sẻ, đồng nghĩa với việc các tuyến đường sắt cao tốc về cơ bản an toàn, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hoạt động khai thác đường sắt cao tốc trong ngày mới.
Vì vậy, mặc dù tàu cao tốc "Người dẫn đường" không dùng để vận chuyển hành khách hay hàng hóa nhưng sự tồn tại của nó là vô cùng quan trọng.