Vị này cho biết thêm, ông đã bán một khách sạn 3 sao trị giá 90 tỷ đồng để trả một phần nợ ngân hàng và duy trì khách sạn 5 sao còn lại. Hiện, du khách èo uột nhưng khách sạn 5 sao với hàng loạt các chi phí. Theo đó, mỗi tháng doanh nghiệp bù lỗ 800 triệu đồng.
“Một năm kinh tế buồn khi du lịch chưa thể phục hồi hoàn toàn do các khách từ Nga và Trung Quốc chưa sang. Nhân viên duy trì 50% so với mức bình thường. Nếu tình hình này kéo dài, doanh nghiệp phải tiếp tục bán khách sạn nói gì đến thưởng Tết”, vị này nói.
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Khu Công nghiệp TPHCM - cho rằng, hiện các doanh nghiệp Việt đang phải hứng chịu tác động từ nhiều hướng. Đầu tiên, những tác động tiêu cực từ thời kỳ đại dịch COVID-19, đến nay các doanh nghiệp đang bắt đầu “ngấm đòn” khi mà chuỗi cung ứng chưa thể khôi phục hoàn toàn. Tiếp đó, tình hình bất ổn trên thế giới như căng thẳng Nga - Ukraine lại càng khiến doanh nghiệp khó khăn khi đối mặt với tình trạng lạm phát, thiếu nguồn cung nhiên liệu...
Cuối cùng, những biến động về ngân hàng, thị trường chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp gần đây đã đẩy lãi suất lên cao, doanh nghiệp gặp khó nhưng vẫn phải vay vốn lãi suất cao nhằm duy trì hoạt động. Thậm chí, có doanh nghiệp dù chấp nhận vay lãi cao nhưng vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn do khó khăn về dòng tiền.
Theo ông Bé, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nhiều khu công nghiệp đang phải đối mặt với việc cắt giảm công nhân, giảm ca làm vì đơn hàng sụt giảm. Thêm một cái Tết buồn cho doanh nghiệp sản xuất.