"Ngoài ra, các tỉnh cần khảo sát, nắm tình hình thực hiện quy định về lương tối thiểu, trả lương, tiền thưởng, nợ lương và kế hoạch thưởng Tết theo kết quả sản xuất, kinh doanh cho người lao động ở các doanh nghiệp… Báo cáo Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 25-12" - Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu.
Năm 2022, mức thưởng cao nhất Tết dương lịch thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực ngân hàng tại TP.HCM, với mức 471 triệu đồng. Mức thưởng Tết Âm cao nhất là 1,43 tỉ đồng thuộc về doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin ở Đà Nẵng.
Theo Bộ Luật Lao động 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp. Việc có thưởng hay không, thưởng bao nhiêu, pháp luật hoàn toàn không can thiệp. Điều này phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Người lao động chỉ chắc chắn được thưởng Tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, hoặc nếu quy chế nội bộ doanh nghiệp có quy định... và phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động.