Doanh nghiệp thực hiện cam kết giảm phát thải từ chuỗi giá trị xanh

Thanh Hà | 29/08/2023, 14:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính để đạt phát thải ròng bằng '0'.

Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2023 (Vietnam Corporate Sustainability Forum - VCSF) vừa diễn ra với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”. Đây là nơi các doanh nghiệp chia sẻ bí quyết tăng trưởng xanh.

ba-nguyen-thi-bich-van-chu-tich-unilever-viet-nam-chia-se-ve-dinh-huong-hanh-dong-chong-bien-doi-khi-hau-cua-unilever.jpg
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ về định hướng hành động chống biến đổi khí hậu của Unilever tại một sự kiện liên quan.

Tại diễn đàn, Unilever đã chia sẻ những chiến lược toàn cầu mang tính tiên phong và hành động mạnh mẽ xây dựng chuỗi giá trị phát thải ròng bằng “0” tại Việt Nam để chuyển đổi xanh, góp phần vào mục tiêu chung của quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo một tương lai bền vững, một hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.

Thách thức và cam kết toàn cầu

Thế giới đang phải đối mặt với các thách thức lớn như: suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu... Điều này đặt ra bài toán lớn về làm sao để đảm bảo tương lai bền vững cho các thế hệ tiếp nối.

Trong đó, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp thiết nhất khi nồng độ khí nhà kính đang ở mức cao nhất trong 2 triệu năm qua và thế giới đã ấm lên 1,1oC so với cuối những năm 1800.

Theo Báo cáo của Liên Hợp quốc vào năm 2018, các nhà khoa học và chuyên gia đã thống nhất rằng, việc giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5oC sẽ là ngưỡng an toàn giúp chúng ta tránh được những tác động biến đổi khí hậu xấu nhất.

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi có một cam kết và hệ thống giải pháp mang tính toàn cầu và cấp thiết. Trước đóVào tháng 12/2021, tại hội nghị COP26, Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã đưa ra cam kết mạnh mẽ để giảm mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

cac-dien-gia-tai-dien-dan-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-2023.jpg
Các diễn giả tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững 2023.

Để hiện thực hóa cam kết này, Chính phủ đã đưa ra chiến lược kế hoạch hành động quốc gia định hướng chuyển đổi trong nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất, tiêu dùng phát thải thấp, kêu gọi sự vào cuộc đồng bộ của các chính quyền địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp.

Mục tiêu đạt net zero vào 2050 của Việt Nam được đánh giá là thách thức, tuy nhiên cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình kinh doanh và chuyển đổi tăng trưởng bền vững hơn.

Doanh nghiệp chuyển đổi xanh hướng tới phi phát thải

Tại Việt Nam, để hiện thực hóa các cam kết về giảm phát thải và kinh doanh bền vững, Unilever tập trung triển khai các hoạt động chuyển đổi xanh trong chính trong hoạt động vận hành của mình, cũng như thúc đẩy chuyển đổi xanh ở cả các đối tác trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Trước hết, đối với việc giảm phát thải trong hoạt động vận hành nội bộ, Unilever Việt Nam đã sớm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trong toàn bộ hoạt động vận hành nội bộ của mình từ năm 2021, sớm 9 năm so với cam kết toàn cầu của Tập đoàn.

Điều này đạt được thông qua nhiều sáng kiến chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện năng, tái chế và tái sử dụng, kinh tế tuần hoàn… Toàn bộ nhiên liệu vận hành lò hơi ở tất cả các cụm nhà máy của Unilever trên toàn quốc được sử dụng từ viên nén sinh khối (biomass) tái chế từ phụ phẩm nông nghiệp như: gỗ, vụn trấu... thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch (diesel). Các sáng kiến trong vận hành này đã giúp Unilever loại bỏ trung bình gần 10.000 tấn CO2 mỗi năm kể từ 2007 tới nay.

Ngoài ra, để giảm phát thải gián tiếp từ tiêu thụ điện năng, hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo, Unilever Việt Nam đã bổ sung chứng chỉ năng lượng tái tạo IREC đối với nguồn điện đang sử dụng tại tất cả các nhà máy, văn phòng và trung tâm phân phối. Điều này có nghĩa là toàn bộ lượng carbon phát thải qua điện năng tiêu thụ được xem là carbon tích cực.

Chương trình Hành động vì một Việt Nam xanh 

Đối với việc giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị, trên thực tế, phần lớn lượng phát thải carbon đến từ hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn: như từ nguyên liệu thô đầu vào, vận chuyển nguyên liệu, đến các hoạt động sản xuất của nhà máy, sau đó là quá trình kho vận, phân phối, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu khí hậu một cách tổng thể, Unilever cần đến sự hợp tác, chung tay của tất cả các đối tác, nhà cung cấp trong toàn chuỗi giá trị để cùng đồng hành thực hiện các giải pháp cắt giảm khí nhà kính.

Tại Hội thảo vào tháng 5/2022, Unilever đã cùng hơn 200 đối tác trong toàn chuỗi cung ứng cam kết hành động vì khí hậu thông qua hợp tác xây dựng chuỗi giá trị không phát thải carbon đến năm 2039.

pho-thu-tuong-tran-hong-ha-va-cac-dai-bieu-tham-du-vcsf-2023.jpg
 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu tham dự VCSF 2023.

Bên cạnh đó, liên quan việc trung hòa carbon thông qua Chương trình “Hành động vì Việt Nam xanh”, mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng “0” cũng được lồng ghép trong triển khai chương trình “Hành động vì Việt Nam xanh” mà Unilever phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2021.

Trong đó, Unilever cam kết trồng 1 triệu cây xanh tại các vườn quốc gia, rừng phòng hộ trên cả nước, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng về vai trò của rừng, cũng như góp phần trung hòa carbon. Cho đến nay, chương trình đã trồng hơn nửa triệu cây xanh trên cả nước.

Cải thiện sức khỏe hành tinh vì tương lai bền vững

Các cam kết và hành động hướng tới mục tiêu net zero nằm trong khung Chiến lược Phát triển bền vững chung của Unilever toàn cầu, với các trụ cột hướng đến cải thiện sức khỏe hành tinh, cải thiện sức khỏe con người và đóng góp vào một xã hội công bằng hòa nhập hơn.

Với mục tiêu cải thiện sức khỏe hành tinh, bên cạnh nỗ lực trong hành trình chuyển đổi xanh, phi phát thải, Unilever cũng đã triển khai nhiều mô hình sáng kiến trong quản lý rác thải nhựa bền vững thông qua mô hình hợp tác công - tư cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2020, mô hình kinh tế tuần hoàn thu gom và tái chế bao bì nhựa hợp tác cùng các đối tác như: Duy Tân, Vietcycle...

Các mô hình này hướng tới cắt giảm lượng nhựa nguyên sinh, tăng cường sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất bao bì, biến rác trở thành nguồn tài nguyên giá trị cho nền kinh tế và đời sống, tạo vòng tuần hoàn khép kín cho bao bì nhựa tại Việt Nam.

Cho đến nay, Unilever đã đạt cột mốc giảm hơn 50% nhựa nguyên sinh sử dụng trong bao bì, 63% bao bì có khả năng tái chế, thu gom và xử lý hơn 20.000 tấn rác thải nhựa, hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện vệ sinh, an toàn lao động, phúc lợi xã hội cho hơn 2.500 lao động nữ trong lực lượng lao động thu gom phi chính thức.

Bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ :" Tại Unilever, chúng tôi cam kết xây dựng “chuỗi giá trị xanh phi phát thải” như là cốt lõi của mô hình kinh doanh bền vững; và trên thực tế đã tiên phong đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trong toàn bộ hệ thống vận hành của mình từ năm 2021.

Không chỉ dừng lại ở đó, Unilever cũng tiếp tục lan tỏa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh này tới hệ thống hàng trăm các đối tác trong toàn bộ chuỗi giá trị, trở thành lực đẩy cho sự chuyển mình mang tính hệ thống của nền kinh tế.

Điều này không chỉ góp phần vào mục tiêu chung quốc gia đưa phát thải ròng về 0, góp phần đẩy lùi nguy cơ của biến đổi khí hậu, mà còn gia tăng các giá trị tích cực tổng thể đối với môi trường, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp”.

Bài liên quan
Unilever trong cuộc đua mới của ngành tiêu dùng nhanh
Thừa nhận phát triển bền vững là bài toán khó với ngành FMCG nhưng lãnh đạo Unilever Việt Nam khẳng định các nhãn hàng tiên phong đang ghi nhận mức tăng trưởng đột phá.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp thực hiện cam kết giảm phát thải từ chuỗi giá trị xanh