Em Nguyễn Ngọc Trâm - học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt chia sẻ: Từ khi vào trường em được tiếp cận với nhiều nội dung, kiến thức về pháp luật, trong đó có nội dung về PCTN. Qua những buổi học, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp đã giúp em và các bạn hiểu hơn về tham nhũng, từ đó ý thức hơn về trách nhiệm đối với PCTN.
Giờ học môn Giáo dục Công dân tích hợp nội dung phòng chống tham nhũng của cô trò Trường THPT Ngô Quyền (huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh |
Việc đưa nội dung PCTN vào trường học cần thiết và hữu ích học sinh nhận thức và có thái độ đúng về vấn đề, từ đó trở thành công dân có nhân cách tốt, cán bộ tương lai chuẩn mực của đất nước. Tuy nhiên, việc triển khai học tập nội dung PCTN trong nhà trường còn gặp nhiều khó khăn.
Hầu hết giáo viên dạy môn Giáo dục công dân các trường không được đào tạo chuyên sâu về pháp luật nên giảng dạy còn hạn chế. Giáo viên mới tiếp cận nội dung tích hợp PCTN nên chưa tìm được phương pháp, cách thức tổ chức giờ dạy hiệu quả nhất. Ở mỗi trường THPT cơ bản chỉ có 1 giáo viên dạy môn Giáo dục công dân nên không có điều kiện trao đổi chuyên môn khi gặp vấn đề khó.
Cô Nguyễn Thị Kim Nhung, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì cho rằng, tài liệu tham khảo về nội dung PCTN cho công tác giảng dạy còn ít, giáo viên không có nhiều cơ hội tập huấn do vậy phải tự tìm hiểu kiến thức để truyền đạt cho học sinh, đây lại là những kiến thức khó, nên quá trình truyền thụ kiến thức chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Bên cạnh đó, thời lượng 45 phút/tiết học để truyền đạt nội dung PCTN ít, giáo viên chỉ giới thiệu sơ lược, giúp học sinh nắm được khái niệm, những biểu hiện của tham nhũng, không có thời gian đi sâu phân tích về công tác này, những ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhận định, nhiều giáo viên chưa thật sự am hiểu về pháp luật. Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu bài giảng, giáo viên phải tự tìm tài liệu, cập nhật thông tin mới thường xuyên, liên tục qua nhiều kênh khác nhau.
Đặc biệt, nếu muốn bài giảng hấp dẫn, tránh khô khan khiến học sinh không chú tâm, giáo viên phải tích cực đưa vào những dẫn chứng sinh động, ví dụ thực tế. Nhưng nếu lồng ghép không khéo léo có thể làm cho học sinh hoang mang, có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về phòng, chống tham nhũng tại các nhà trường, Sở đã phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng chuyên đề “Đẩy mạnh công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố”. Đến nay, tất cả giáo viên các trường THPT được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Học sinh các trường THPT được tiếp cận kiến thức pháp luật về PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trang bị kiến thức cơ bản nhất về vấn đề, có những biểu hiện nhất định để có thể bày tỏ thái độ và cách giải quyết khi gặp vấn đề liên quan đến PCTN.