Những nỗ lực từ phía nhà trường và gia đình đã mang về cho dự án nhiều thành tựu đáng tự hào. Trong đó, nổi bật nhất là đưa Học thông qua Chơi (HTQC) tiếp cận đến 681.000 học sinh và 1,4 triệu cha mẹ trên cả nước vào cuối năm nay. Dự án đã tổ chức 24 ngày hội Học thông qua Chơi, đồng thời nâng cao nhận thức và lồng ghép nội dung Học thông qua Chơi vào 20.100 buổi họp phụ huynh với sự tham gia của gần 370 nghìn cha mẹ học sinh cấp lớp 1, 2 và 3.
Ngoài ra đội ngũ cán bộ giáo dục, giáo viên và các điểm trường thuộc dự án đã triển khai nhiều hoạt động mang lại hiệu quả dài hạn trong việc giáo dục học sinh. Những chương trình này giúp hàng trăm nghìn học sinh tiểu học khơi mở được ý nghĩa của bài học, tham gia tích cực, mang lại nhiều cơ hội thử nghiệm, tăng tương tác xã hội và tạo ra niềm vui và hứng thú cho các em trong mỗi ngày đến trường.
Không chỉ xuất bản Bộ tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiểu học về Học thông qua Chơi, dự án cũng đã thiết kế tài liệu gợi ý hoạt động áp dụng Học thông qua Chơi dành riêng cho cha mẹ ở đa dạng vùng miền. Phổ biến tại các buổi họp và hoạt động giữa nhà trường - gia đình, tài liệu đề xuất các hoạt động tương tác đơn giản, gần gũi, phù hợp với mọi gia đình giúp cha mẹ giáo dục con tại nhà. Đơn cử như khuyến khích cha mẹ giúp con khám phá tiềm năng của bản thân, hướng con đến hành vi ứng xử phù hợp hay tạo điều kiện cho con vui chơi cùng mọi người để con phát triển theo 5 nhóm lĩnh vực khác nhau, từ nhận thức, sáng tạo đến tình cảm - xã hội, thể chất và cảm xúc. Qua đó, đưa hành trình Học thông qua Chơi gần gũi hơn với các hoạt động gia đình, đồng thời giúp định hướng học tập của học sinh tích cực và nhất quán hơn từ nhà đến trường.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, VVOB đã phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo Dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo “Giới thiệu khóa học trực tuyến về Học thông qua Chơi". Khóa học được triển khai dưới hình thức bồi dưỡng chuyên môn kết hợp trực tuyến và trực tiếp, bao gồm 5 mô-đun và được thẩm định bởi Bộ GD&ĐT. Không chỉ hỗ trợ giáo viên phát triển năng lực chuyên môn, hội thảo cũng góp phần thúc đẩy quá trình phổ biến khóa học đến các các bộ quản lý và giáo viên tiểu học trên toàn quốc. Đến nay, khoảng 80.000 giáo viên đã hoàn thiện khóa học, và khoảng 10.000 giáo viên khác đang tham gia. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng khi các tỉnh thành phố triển khai diện rộng cho cán bộ quản lý, giáo viên của tất cả các trường tiểu học tại địa phương.
Những nỗ lực trong suốt thời gian qua cho thấy, dự án iPLAY đã đặt những viên gạch quan trọng cho sự phát triển toàn diện và trang bị các kỹ năng tương lai của thế hệ trẻ. Từ đó, mang lại giá trị tích cực cho nền giáo dục Việt Nam không chỉ cho hiện tại mà còn bền vững trong nhiều năm sau.
Tham khảo các hoạt động áp dụng HTQC tại gia đình: https://vietnam.vvob.org/vi/resources/tai-lieu-huong-dan-chuc-hoat-dong-hoc-thong-qua-choi-tai-gia-dinh