Thi công cầm chừng chờ giải cứu
Theo Ban quản lý dự án, với chiều dài hơn 20 km trên địa phận Hải Phòng, diện tích cần GPMB của dự án là 102 ha, liên quan tới 1.523 hộ dân và tổ chức (quận Đồ Sơn và các huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng). Trên địa bàn tỉnh Thái Bình chiều dài gần 9 km, diện tích thu hồi hơn 37,5 ha, liên quan tới 710 hộ dân và tổ chức. Đến nay, công tác GPMB cơ bản đã hoàn thành.
Về triển khai thi công xây dựng, đoạn tuyến từ đường 353 đến cầu Văn Úc (trên địa bàn quận Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy) có chiều dài 8 km, nhà thầu đang thi công lớp cấp phối đá dăm, rải được 1,7km bê tông nhựa lớp dưới. Công trình cầu Văn Úc dài 2,24 km nối huyện Kiến Thuỵ với huyện Tiên Lãng cũng đã cơ bản hoàn thành.
Đoạn tuyến từ cầu Văn Úc đến cầu Thái Bình (trên địa bàn huyện Tiên Lãng) dài 9,21km đang được thi công đắp nền, xử lý nền yếu. Công trình cầu Thái Bình dài 1 km nối huyện Tiên Lãng và huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) đang được thi công. Đoạn tuyến từ cầu Thái Bình đến cuối tuyến trên địa bàn huyện Thái Thụy (Thái Bình) dài 9km, đang thi công lớp cấp phối đá dăm.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7/2023, dự án tuyến đường bộ ven biển BOT chỉ được thi công cầm chừng do nhà đầu tư và nhà thầu thi công đều gặp khó khăn. Theo Hợp đồng và phụ lục hợp đồng BOT, lẽ ra đến ngày 30/6/2023, doanh nghiệp dự án phải hoàn thành thi công công trình. Tuy nhiên, đến nay giá trị thực hiện xây lắp mới đạt 1.718 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 70% so với giá trị xây lắp của hợp đồng (2.465 tỷ đồng).
Theo các nhà thầu, nguyên nhân chậm tiến độ là do trong quá trình thi công, các nhà thầu gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát và giá các loại nguyên vật liệu tăng cao. Cụ thể, giá cát thời điểm ký hợp đồng chỉ khoảng 95.000 đồng/m3 thì thời điểm này đã tăng lên tới trên 200.000 đồng/m3 nhưng nguồn cung cấp cát san lấp cũng rất khan hiếm.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, vướng mắc lớn nhất khiến dự án chậm tiến độ là do nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc áp dụng lãi suất vốn vay. Lãi suất doanh nghiệp dự án phải thanh toán với bên cho vay và lãi suất được quyết toán theo quy định của hợp đồng BOT có sự chênh lệch khá lớn. Doanh nghiệp dự án vay của tổ chức tín dụng với lãi suất lên tới hơn 10%, trong khi lãi suất được quyết toán theo hợp đồng BOT chỉ khoảng 5%. Vốn vay bị đình trệ nên dự án phải thi công cầm chừng chờ được giải cứu.
Ban quản lý dự án cho hay hiện UBND TP. Hải Phòng đang chỉ đạo các ngành phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án hoàn thiện các thủ tục liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các vướng mắc về lãi suất vốn vay, nguyên tắc xác định lãi suất vốn vay, thực hiện các thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo quy định.
Trong trường hợp không giải quyết được vướng mắc về chênh lệch lãi suất, nhà đầu tư không thể thực hiện tiếp thì phải chấm dứt hợp đồng. Dự án sẽ phải triển khai tiếp theo hướng đầu tư công hoặc đấu thầu lại chọn nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, nếu chấm dứt hợp đồng thì sẽ phải kiểm toán xác định khối lượng để hoàn trả số tiền đã đầu tư, sau đó mới có thể triển khai tiếp theo một trong hai hướng trên, thời gian sẽ kéo dài thêm rất nhiều, chưa biết khi nào tuyến đường bộ ven biển này mới có thể hoàn thành.
Dự án mở rộng đường bộ ven biển cũng bị ảnh hưởng theo
Cùng với đường bộ ven biển đầu tư theo hình thức BOT, từ năm 2020, UBND TP. Hải Phòng đã phê duyệt dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn Hải Phòng (từ tỉnh lộ 353 đến cầu Thái Bình) với tổng mức đầu tư hơn 946 tỷ đồng từ vốn ngân sách do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư.
Dự án tuyến đường mở rộng không phải GPMB vì dự án BOT đã thực hiện GPMB. Sau khi cả hai dự án hoàn thành, gần 20 km đường ven biển trên địa phận TP. Hải Phòng sẽ là tuyến đường đôi mặt cắt hơn 24m. Theo yêu cầu kỹ thuật, cả hai dự án phải thi công đồng thời mới đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, do dự án BOT bị chậm tiến độ nên dự án mở rộng cũng bị chậm theo. Và cũng như dự án BOT, tại dự án mở rộng tuyến đường bộ ven biển, các nhà thầu cũng đang khốn đốn do giá nguyên vật liệu tăng cao, nguồn cung cát đen khan hiếm.