Để không đọng lại nỗi buồn
Ở vai trò phụ huynh, chị Nguyễn Thị Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang học lớp 12 bày tỏ: “Tôi không cần những giọt nước mắt giả tạo từ các con với thầy cô bạn bè và bố mẹ. Càng không muốn những lễ tri ân dài dòng nặng về báo cáo thành tích năm học. Những gương mặt học trò được trang điểm quá kỹ, mất đi sự ngây thơ hồn nhiên của lứa tuổi.
Hãy cho các con chứng kiến một lễ tri ân đúng nghĩa. Thầy và trò được nói lên tình cảm chân thành, mộc mạc nhất từ trong lòng. Tri ân để học trò trưởng thành, đừng đặt ra quá nhiều ý tưởng, hoạt động không thiết thực, thiếu liên quan khiến giảm đi ý nghĩa”.
Cô Nguyễn Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Lào Cai đặt câu hỏi: Sao không tổ chức các lễ tri ân ngay trong không gian sân trường, thậm chí có thể nhỏ hơn ở quy mô lớp học với những hoạt động đơn giản nhưng ấm áp tình thầy trò? Việc chuẩn bị đồ liên hoan trong các lễ tri ân cũng chỉ nhẹ nhàng, phù hợp lứa tuổi. Có thể để học sinh kể vể những tiết học, môn học hoặc thầy cô ấn tượng. Hoặc tùy khả năng cho các em được viết, vẽ về những kỷ niệm, bạn bè, thầy cô sau một chặng đường dài học tập, trải nghiệm. Những lưu bút của học trò được dán lên trong lớp học, kẹp vào sổ lưu bút nhà trường...
“Hãy để những hoạt động tri ân thiết thực, gần gũi, tránh sự xô bồ, hình thức. Hãy tận dụng hoạt động ý nghĩa này để giáo dục học sinh ở những chặng đường tiếp theo...”, cô Hồng bày tỏ mong muốn.
Nhiều năm trở lại đây, Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình) tổ chức lễ tri ân nằm trong lễ tổng kết năm học. Sẽ không có những tiết mục rườm rà, chỉ một số học sinh đại diện lên nói lời cảm ơn tới thầy cô, bố mẹ... Tổ chức “hoành tráng” nhưng không đúng hướng, đạt yêu cầu, ý nghĩa thì tri ân cũng trở nên vô nghĩa, lãng phí, thậm chí phản cảm.
“Sự lạnh nhạt của một số phụ huynh đối với các buổi lễ tri ân trong thời gian gần đây có thể do nguyên nhân từ cách tổ chức của các nhà trường. Nhiều trường tổ chức quá hoành tráng dẫn tới tốn kém và phải có sự huy động đóng góp từ phụ huynh. Trong khi đó, với phụ huynh vùng nông thôn, nơi điều kiện khó khăn thì mọi khoản đóng góp cũng phải cân nhắc, tính toán…”, thầy Bùi Bằng Đoàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình) nhấn mạnh.