Suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu kẽm
Kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym của cơ thể. Là chất xúc tác không thể thiếu được của ARN-polymerasa, có vai trò quan trọng trong quá trình nhân đôi AND và tổng hợp protein thúc đẩy quá trình tăng trưởng.
Ngoài ra, kẽm có vai trò quan trọng tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng, hình thành các tổ chức.
Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao.
Thiếu kẽm còn gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm dễ nổi cáu. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy thiếu kẽm làm trẻ dễ bị mắc bệnh tự kỷ. Bữa ăn của trẻ nhỏ cần đảm bảo đủ các thành phần vi chất dinh dưỡng để phát triển.
Nhu cầu kẽm của trẻ dưới 1 tuổi là 5 mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10 mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15 mg/ngày đối với nam và 12 mg/ngày đối với nữ.
Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng
Trong khi nhiều người có thể đáp ứng nhu cầu chất dinh dưỡng của họ thông qua chế độ ăn uống, nhưng cũng có những người phải sử dụng các chất bổ sung. Đặc biệt là những người đối mặt với nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng cao hơn gồm những người có nhu cầu dinh dưỡng cao như trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai và cho con bú); người gặp khó khăn trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng như người lớn tuổi, người béo phì và những người mắc bệnh mạn tính) và những người theo một chế độ ăn kiêng hạn chế.
Một số chất bổ sung dinh dưỡng phổ biết gồm vitamin, khoáng chất, glucosamine và chondroitin, sulfate, lợi khuẩn probiotic, các enzym tiêu hóa, echinacea, coenzyme Q10 (CoQ10), tỏi, bạch quả, nhân sâm, kava, melatonin, kích thích tố nữ từ thực vật…
Các thực phẩm có nhiều vitamin A như: Thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn… Rau có màu xanh sẫm, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ) có nhiều beta carotene (tiền vitamin A).
Sắt được cung cấp cho cơ thể từ hai nguồn thức ăn, thức ăn động vật: Thịt bò, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, bầu dục, cá và thức ăn thực vật: Đậu, đỗ, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương… Để tăng hấp thu sắt nên ăn hoa quả chín để cung cấp nhiều vitamin C.
Còi xương do thiếu canxi và vitamin D, trong các thực phẩm có nhiều canxi: Tôm, tép, cua, cá, sữa, phomai, rau dền, rau mồng tơi… Vitamin có nhiều trong dầu cá, cá biển, gan, trứng gà…
Các thực phẩm có nhiều i-ốt là các loại cá biển, rong biển, rau cải xoong, tảo…
Thực phẩm có nhiều kẽm: Lòng đỏ trứng gà, sò, trai, hến, lươn, ốc, củ cải, đậu tương.
Mặc dù vậy, các loại vitamin, khoáng chất và chất bổ sung dinh dưỡng được xem là an toàn khi sử dụng đúng liều cho phép. Nếu sử dụng quá liều, đặc biệt là các loại vitamin A và E tan trong dầu lại có thể gây hại cho sức khỏe.
Do đó, người dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất cứ chất bổ sung dinh dưỡng nào. Không nên dùng quá liều khuyến cáo trên nhãn, trừ khi bác sĩ khuyên bạn như vậy.
(Còn tiếp)