Sáng 5/6, hơn 24 nghìn thí sinh tỉnh Tiền Giang bước vào Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024. Khác với mọi năm, năm nay thí sinh thi vào các trường THPT công lập chỉ làm bài thi trong 1 ngày. Buổi sáng 5/6 thí sinh làm 2 bài thi môn Ngữ văn (90 phút) và môn Tiếng Anh (60 phút); buổi chiều cùng ngày, thi môn Toán (90 phút).
Môn Ngữ văn với phần nghị luận xã hội, đoạn văn đọc hiểu của đề thi đã đề cập đến vấn đề sống chậm gây thích thú cho học sinh. Trần Nam Khang (lớp 9/2 Trường THCS Nam Định, TP Mỹ Tho – Tiền Giang) cho biết, em rất thích vấn đề sống chậm để cảm nhận những giá trị nhân văn của cuộc sống. Đó là những điều tốt đẹp mà em được nhận từ cuộc sống, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, những người xung quanh.
Còn tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Bắc Ninh, trích đoạn trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của tác giả Nguyễn Quang Sáng được đưa vào đề thi môn Ngữ văn. Kết thúc 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn nhiều thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng vui vẻ, đánh giá đề thi không khó, có tính phân loại. Cấu trúc đề thi và các dạng câu hỏi quen thuộc được thầy cô cho ôn tập đúng hướng.
Đề thi Ngữ văn về giá trị bản thân cũng được thí sinh Nghệ An đánh giá mới mẻ, thú vị. Theo ghi nhận chung, đề thi năm nay sát với ma trận và có cấu trúc quen thuộc với phần đọc hiểu (2 điểm), phần Nghị luận xã hội (3 điểm) và phần Nghị luận văn học (5 điểm). Bước ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh khá lạc quan với bài thi của mình.
Nguyễn Kiến Bảo – Trường THCS Trung Đô tham dự kỳ thi vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết, đề thi có cấu trúc quen thuộc và kiến thức không nằm ngoài phạm vi ôn tập. Tuy nhiên, ở phần nghị luận xã hội dù câu hỏi nói về việc “phát huy giá trị bản thân” rất hay nhưng khá là mới, khác với các câu nghị luận xã hội năm trước.
Cuộc đua giành suất vào lớp 10 các trường THPT công lập tại Hà Nội và một số thành phố lớn chưa bao giờ bớt nóng. Năm nay, tình hình càng căng thẳng hơn khi “cánh cửa” vào lớp 10 tại Hà Nội thêm phần chật hẹp bởi số thí sinh tốt nghiệp THCS ngày càng gia tăng.
Ảnh minh họa/ INT |
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023, toàn thành phố có hơn 104.917 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, trong khi đó chỉ tiêu vào các trường THPT công lập là 69.805. Còn lại, thí sinh dự tuyển vào lớp 10 các trường công lập tự chủ và tư thục, Trung tâm GDNN-GDTX, các trường nghề có dạy chương trình THPT.
Không căng thẳng như Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 tại một số địa phương chỉ “nóng” ở trường chuyên và một số trường khu vực trung tâm. Tại Hải Phòng, học sinh phải cạnh tranh khốc liệt để giành suất vào các trường khu vực trung tâm như THPT chuyên Trần Phú, THPT Ngô Quyền, THPT Thái Phiên, THPT Trần Nguyên Hãn, THPT Lê Quý Đôn.
Còn tại Hà Nam, các trường THPT chuyên Biên Hòa, THPT Phủ Lý A, THPT Phủ Lý B... luôn có tỉ lệ chọi cao khiến học sinh tại TP Phủ Lý phải cạnh tranh gay gắt để thi đỗ vào các trường này. Chị Trịnh Thị Thu, một phụ huynh học sinh cho biết: Hai trường THPT Phủ Lý A và THPT Phủ Lý B năm nào cũng khá đông thí sinh dự thi. Do đó, gia đình phải chuyển cháu về huyện thi để đỡ áp lực hơn.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập trên địa bàn TPHCM từng được coi là kỳ tuyển sinh khó khăn, cạnh tranh gay gắt khiến học sinh, phụ huynh lo lắng. Nhưng trong đợt tuyển sinh năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục TPHCM đã tăng thêm hàng nghìn chỉ tiêu, làm giảm áp lực cạnh tranh cho các thí sinh.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT TPHCM, số lượng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi năm học 2022 - 2023 không thay đổi nhiều so với các năm trước, ở mức khoảng 100.000 học sinh. Tuy nhiên, chỉ tiêu cho học sinh đỗ vào trường công lập đã tăng đáng kể, ở mức khoảng 77.200 học sinh. Nếu so với những năm học trước, mức chỉ tiêu đã tăng khá nhiều.
Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến áp lực, quá tải trong cuộc đua vào lớp 10 tại Hà Nội chính từ việc thiếu trường lớp. Với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ngay cả những học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của các em.
Để giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, ông Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) kiến nghị Hà Nội có thể cấp đất, mở rộng quy mô trường công. Bên cạnh đó, tăng nguồn lực xã hội mở trường tư. Khi trường tư càng nhiều, sức cạnh tranh về học phí và chất lượng dạy học sẽ càng cao.