'Đường vòng' của thầy giáo trẻ Trường Phan

27/06/2022, 16:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Khác với nhiều sinh viên sư phạm, sau khi tốt nghiệp mong muốn sớm ổn định công tác, thầy Trần Đại Dương tự nhận mình có nhiều lựa chọn “cảm tính”.

Làm việc ở trung tâm gia sư, sau đó thi cao học, rồi xin học bổng thạc sĩ ở châu Âu, trải qua đường vòng, trạm dừng chân của thầy giáo trẻ là quay về dạy học tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) – nơi mình đã được bồi dưỡng, rèn luyện, nuôi lớn ước mơ.

Quay về trường cũ

“Trong những thời điểm quan trọng, lựa chọn mà tôi đưa ra có thể lạ so với nhiều người. Bản thân là người khá cảm tính khi đưa ra quyết định, nhưng hiện tại tôi hài lòng với những gì mình trải qua và đã có”, thầy giáo trẻ tâm sự.

Trần Đại Dương (SN 1995) chính thức trở thành giáo viên Toán, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu từ tháng 7/2021, sau khi hoàn thành chương trình du học tại Pháp. Lựa chọn “trường Phan” bởi đây là nơi Dương đã trải qua 3 năm THPT đáng nhớ với nhiều kỷ niệm và trưởng thành.

Thầy giáo trẻ tâm sự: “Tôi cảm thấy may mắn, bởi trước khi du học thạc sĩ tại Pháp được Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tạo cơ hội về công tác tại trường. Nhưng lúc đó, tôi lại đưa ra lựa chọn khác, đó là làm việc tại Hà Nội, thi cao học rồi sang Pháp.

Quãng thời gian đó, cơ hội giảng dạy tại ngôi trường chuyên nổi tiếng xứ Nghệ có thể sẽ đến với người khác. Nhưng sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, tôi vẫn được Sở GD&ĐT Nghệ An, nhà trường tuyển dụng”.

Trở lại trường cũ đối với Dương vừa có cảm giác háo hức nhưng cũng đan xen lo lắng, hồi hộp. Nhất là vai trò lúc này đã “đảo chiều” so với ngày xưa, trở thành người đứng trên bục giảng và phía dưới có rất nhiều học sinh.

Trần Đại Dương chia sẻ: Dạy học ở trường chuyên là niềm tự hào của bất cứ giáo viên trẻ nào, nhưng cũng chịu áp lực lớn. Áp lực từ chính bề dày truyền thống, thành tích của Trường chuyên Phan Bội Châu. Ngoài ra, học sinh thế hệ Gen Z, Alpha… rất chủ động, thông minh, đòi hỏi giáo viên phải không ngừng nâng cao năng lực bản thân.

“Nhưng áp lực đó cũng là động lực để tôi thực sự cống hiến, tâm huyết, nhiệt tình. Sau gần nửa năm dạy học, cả trực tiếp và online, tôi đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của ban giám hiệu nhà trường, thầy cô giáo cũ, đồng nghiệp. Điều này khiến tôi tự tin hơn vào kiến thức, phương pháp dạy học của bản thân”, Trần Đại Dương nói.

Theo thầy Dương, dạy học trong bất cứ hoàn cảnh, đối tượng học sinh nào, kiến thức vẫn là nền tảng cơ bản. Điều thuận lợi của Dương là được trải qua những môi trường đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, uy tín trong và ngoài nước.

Nhưng việc học với thầy giáo trẻ chưa bao giờ là đủ và xuất phát điểm tốt đến đâu, cũng chỉ mang tính thời điểm. Trong khi giáo dục cả nước đang đổi mới, giáo viên lại càng phải trang bị kiến thức, kỹ năng cho bản thân để tiệm cận, làm tròn hơn nữa vai trò đứng lớp chuyên của mình.

'Đường vòng' của thầy giáo trẻ Trường Phan ảnh 1 Trước khi trở thành thầy giáo trẻ của Trường chuyên Phan, Trần Đại Dương đã có gần 2 năm học thạc sĩ Toán tại Pháp.

Trải nghiệm để dạy học tốt hơn

Sau gần 1 năm dạy học tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Dương tự nhận mình còn trẻ, kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm chưa dày dặn, nhưng ngoài kiến thức, thầy sẽ chọn là người truyền cảm hứng, đem nguồn năng lực tích cực đến cho học trò. Sẵn sàng làm bạn, đồng hành với trò trước khó khăn, khúc mắc trong học tập, cuộc sống. Thầy cũng sẽ là người chia sẻ đam mê, ước mơ, khích lệ học sinh tìm ra và theo đuổi mục tiêu, chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Khi còn là học sinh chuyên Toán của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Trần Đại Dương từng đoạt giải Ba học sinh giỏi Quốc gia môn Toán. Cậu học trò đến từ huyện Diễn Châu (Nghệ An) có nhiều lựa chọn trước ngưỡng cửa đại học.

Nhiều bạn bè chọn học ngành kinh tế, kỹ thuật với quan niệm sẽ có nhiều cơ hội việc làm. Nhưng Dương quyết định theo nghề giáo và cũng là học sinh duy nhất của lớp đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nhớ lại quyết định này, Dương chia sẻ: Sư phạm và môn Toán đều là đam mê. “Vì vậy, lựa chọn này giúp tôi cùng lúc theo đuổi được ước mơ. Hơn nữa, bản thân chịu sự ảnh hưởng của nhiều thầy cô giáo từng dạy dỗ mình.

Từ cô giáo dạy tiểu học rất tâm huyết, nhiệt tình, yêu thương học sinh, đến các thầy cô giáo THCS, THPT sau này. Đặc biệt, thầy Đậu Hoàng Hưng – giáo viên chủ nhiệm và dạy Toán của 3 năm THPT là người đã truyền cảm hứng và khích lệ tôi theo con đường sư phạm”, Dương kể.

Nam sinh xứ Nghệ học lớp chất lượng cao của khoa Sư phạm Toán. Trong 4 năm, Dương tham gia các cuộc thi Olympic sinh viên, hoạt động của khoa, nhà trường và làm gia sư. Sự cố gắng cùng năng lực, đam mê đã giúp Trần Đại Dương có tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc. Với kết quả đó, Dương có nhiều cơ hội vào dạy học ở trường THPT công lập. Tuy nhiên, tân cử nhân lại quyết định làm việc tại trung tâm gia sư, với suy nghĩ “để có thêm trải nghiệm”.

Làm việc tại một trung tâm khá lớn tại Hà Nội, thu hút số lượng lớn học sinh đăng ký học trực tiếp lẫn online, ngoài giảng dạy, Dương còn biên soạn một số tài liệu ôn thi THPT. Tuy nhiên, sau 2 năm, Dương quyết định nghỉ.

“Làm việc một thời gian, tôi nhận thấy môi trường tại đây hạn hẹp so với mục tiêu của mình. Tôi mong muốn truyền đạt, chia sẻ kiến thức để các em khai thác, tận dụng nhiều hơn nữa những gì mà mình đã tích lũy được. Nhưng đối tượng học sinh ở đây chủ yếu học để đạt kiến thức ở mức độ nhất định. Vì thế, tôi quyết định dừng lại và rẽ sang con đường khác”, Dương nhớ lại.

Sau khi nghỉ việc ở trung tâm gia sư, Trần Đại Dương thi cao học tại Viện Toán học – Học viện Khoa học và Kỹ thuật, đồng thời tìm kiếm cơ hội du học. Nhưng để ứng tuyển chương trình thạc sĩ tại Pháp, cần ít nhất 2 thư giới thiệu của giảng viên đầu ngành.

“Trong lúc khó khăn, tôi đã nghĩ đến Giáo sư Nguyễn Quang Diệu – người thầy của mình khi còn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và liều gửi email cho thầy. Tôi không dám hy vọng GS Nguyễn Quang Diệu sẽ hồi đáp. Vì giáo sư chỉ dạy tôi năm thứ 3 đại học. Nhưng thật bất ngờ, chỉ sau 30 phút, thầy đã gửi email lại và đồng ý viết thư giới thiệu cho tôi”, Trần Đại Dương kể.

Sau khi hoàn thành hồ sơ, Dương lần lượt nhận được lời mời từ 3 Trường ĐH tại Nantes, Lyon, Nice và quyết định chọn Đại học Nice Sophia Antipolis thành phố Nice. Chi phí trong thời gian học tập tại đây được tài trợ hoàn toàn.

Sẽ là người truyền cảm hứng

'Đường vòng' của thầy giáo trẻ Trường Phan ảnh 2 Thầy giáo trẻ đồng hành cùng học trò trong chương trình thiện nguyện tại Trường Tiểu học Môn Sơn 2, xã biên giới Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An.

Mặc dù sang Pháp đúng thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, nhưng đây quãng thời gian vô cùng quý giá với Dương. Khi mới đến Pháp, ngôn ngữ chưa thông thạo, văn hóa, lối sống cũng cần phải tìm hiểu, tiếp cận. Tuy nhiên, chàng thanh niên Việt nhận được nhiều sự giúp đỡ. Dương bắt nhịp nhanh và cố gắng trải nghiệm ở đất nước châu Âu này.

Chương trình thạc sĩ ở Pháp học sâu hơn về Toán. Nhưng bên cạnh kiến thức, Dương cho biết còn học được rất nhiều ở phương pháp giảng dạy, chuyển tải kiến thức, cách tiếp cập với sinh viên. Đặc biệt là thái độ thẳng thắn, gần gũi, cầu thị và tôn trọng lẫn nhau giữa người dạy và người học. Những trải nghiệm về cuộc sống văn hóa, con người nơi đây đã giúp chàng sinh viên người Việt có sự cởi mở, biết thích ứng với môi trường mới.

Dù thời gian đứng lớp chưa lâu, nhưng Trần Đại Dương đã nhận được những chia sẻ, sự tương tác thường xuyên của học sinh. Trong đó, một trò lớp 10A1 đã qua Fanpage Phan Bội Châu Confessions gửi lời cảm ơn chân thành tới thầy Dương và một giáo viên Lịch sử khác. Em trải lòng, mặc dù chỉ trải qua chưa đầy 1 học kỳ, mà phần lớn thời gian bên màn hình nhỏ đầy gian nan, vất vả, nhưng em trân trọng vô cùng.

“Cảm giác học tập với những người mình chưa từng quen biết trước đây thực sự khó khăn. Em đã từng mệt mỏi khi cố gắng tìm cho mình những người bạn mới mà chưa tiếp xúc nhiều. Nhưng nhờ có thầy là cầu nối, đã đưa em cũng như các bạn khác thoát khỏi sự tù túng đó. Nếu không, có lẽ em đã bỏ cuộc. Mọi thứ thật khác lạ nhưng cũng thật thú vị.

Em rất vui và hãnh diện khi là một thành viên trong mái nhà A1K50 trong 3 năm thanh xuân. Mong thầy vẫn là người truyền lửa, truyền sức mạnh cho những bước chân em đi một cách vững chãi hơn. Truyền những bài học mới và luôn là bến đỗ để chúng em trở về”, học sinh chuyên Toán khóa mới tâm sự.

Năm học này, thầy Trần Đại Dương phụ trách dạy môn Toán cho 5 lớp của 2 khối 10 và 11. Em Phan Nghĩa, học sinh lớp 11A3 cũng tự hào “thầy tớ đấy” khi nhắc về giáo viên trẻ với hành trình trở về trường Phan.

Cậu học trò tâm sự: Câu chuyện của thầy khiến em có thêm động lực, tự tin để phấn đấu theo đuổi đam mê, làm những điều mình thích. Phía trước có nhiều lựa chọn và trải nghiệm sẽ giúp em đưa ra quyết định phù hợp, phấn đấu đạt được mục tiêu của mình.

Ngoài dạy học, thầy còn hoạt động tích cực với vai trò thành viên BCH Đoàn trường, tham gia các hoạt động thiện nguyện. Bên cạnh đó, thầy cũng dẫn học sinh đi tình nguyện, giúp đỡ các em nhỏ trường vùng cao, biên giới… Vừa là thầy, cũng là người đồng hành thân thiết của học trò.

Cô Cao Thị Lan Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu thông tin, khóa chuyên Toán của Trần Đại Dương có rất ít em theo ngành sư phạm. Nhà trường luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh giỏi theo nghề sư phạm.

Cô cũng tin tưởng, chắc chắn Trần Đại Dương sẽ đem lại nguồn năng lực tích cực cho trường Phan, các thế hệ học sinh. Cùng với các giáo viên khác của nhà trường, thầy giáo trẻ sẽ phấn đấu tiếp nối truyền thống, thành tích của ngôi trường chuyên xứ Nghệ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đường vòng' của thầy giáo trẻ Trường Phan