Ngoài các dự án nằm trên "đất vàng" nêu trên, hồi tháng 4/2016, Vạn Thịnh Phát cũng đã khởi công xây dựng dự án Saigon Peninsula 6 tỷ USD, thuộc phường Phú Thuận, quận 7 với tổng diện tích 118ha, nhưng hơn 1 năm qua dự án này vẫn còn "án binh bất động".
Dấu hỏi Hồ sơ Panama
Theo dữ liệu được công bố hồi tháng 5/2016 từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một số nhân vật trong "Hồ sơ Panama" có tên giống với tên lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như Truong My Lan và Chu Nap Kee Eric.
“Hồ sơ Panama” là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.
Báo cáo của ICIJ cho thấy công ty luật có trụ sở tại Panama là Mossack Fonseca đã giúp giới nhà giàu và quyền lực lập ra hàng trăm nghìn công ty hải ngoại (công ty offshore) tại quần đảo British Virgin Islands (Anh), Cayman, Seychelles, Bahamas, Bermuda... Đây là những nơi được mệnh danh là "thiên đường thuế", vốn được xem là nơi lý tưởng cho các hoạt động kinh doanh, né thuế.
Theo dữ liệu từ ICIJ, cả hai thể nhân Chu Nap Kee Eric và Truong My Lan đều là người thụ hưởng (beneficiary) của EurAsia ID Concept Group Limited - công ty có địa chỉ đăng ký tại "thiên đường thuế" British Virgin Islands và có liên quan tới Multi-Check Limited.
Multi-Check Limited là công ty có địa chỉ tại Hồng Kông và là pháp nhân có liên quan tới các công ty Fortune Point Group Limited, Full Prime Enterprises Limited, Luwei Limited.
Cả ba công ty này đều đều có địa chỉ đăng ký tại "thiên đường thuế" British Virgin Islands và có liên quan đến thể nhân Chu Nap Kee Eric (địa chỉ tại Nexxus Building, 41 Connaught Road Central, Hồng Kông (Trung Quốc).
Luwei Limited có các cổ đông là FORTUNE POINT GROUP LIMITED, Full Prime Enterprises Limited, người thụ hưởng là Chu Nap Kee Eric.
Năm 2013, Luwei Limited đã góp gần gần 97 đồng vào Công ty Cổ phần An Phú.
Đáng lưu ý, tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD Group) - đơn vị mua lại tòa nhà Vincom Center A trên phố đi bộ Nguyễn Huệ từ Vingroup với giá gần 10.000 tỷ đồng, rồi sau đó đổi tên thành Union Square - là Công ty Cổ phần Bất động sản Phú Vinh.
Vào cuối năm 2008, Phú Vinh do Công ty Cổ phần An Phú sở hữu tới 90% vốn góp.
Tháng 4/2011, An Phú bán toàn bộ cổ phần tại Phú Vinh cho nhà đầu tư khác. Không có thông tin chính thức nào về các chủ nhân mới của Phú Vinh kể từ thời điểm đó. Cái tên công ty này chỉ xuất hiện một lần trên báo cáo tài chính năm 2011 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt trong phần chú thích về hợp đồng bán lại chứng khoán. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sở hữu 11% cổ phần Chứng khoán Tân Việt.
An Phú trở thành cổ đông của Ngân hàng SCB từ năm 2012 khi đầu tư gần 397 tỷ đồng vào ngân hàng này. Trước đó, An Phú có khoản tiền gửi có kỳ hạn 190 tỷ đồng tại ngân hàng này vào năm 2011 (trước giai đoạn hợp nhất 3 ngân hàng).
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của An Phú, công ty đã chuyển nhượng hơn 39,6 triệu cổ phần trị giá gần 400 tỷ đồng này tại SCB.