Văn hóa

Giải bài toán phục trang cho phim huyền sử Việt

11/04/2025 06:54

Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình thừa nhận, khi bắt tay vào làm dự án phim 'Hộ Linh tráng sĩ', ê-kíp gặp rất nhiều khó khăn - đặc biệt là cổ phục...

Trong khuôn khổ giới thiệu dự án phim “Hộ Linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh”, tọa đàm và triển lãm “Trang phục và cổ phục thời Đinh” thu hút các chuyên gia cùng ngồi lại để giải bài toán cực khó về phục trang trong phim Việt.

Huyền sử 7 tráng sĩ vùng đất cố đô

Thông tin từ UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tọa đàm, triển lãm “Trang phục và cổ phục thời Đinh” cùng dự án phim huyền sử “Hộ Linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh” là chuỗi hoạt động của Lễ hội Hoa Lư năm 2025 diễn ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, thành phố Hoa Lư.

Đại diện ngành văn hóa Ninh Bình cho rằng, địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, vừa phục vụ tham quan du lịch, vừa có thể trở thành bối cảnh sáng tạo các sản phẩm văn hóa độc đáo. Ninh Bình cũng là vùng đất gắn với 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý cùng tên tuổi của nhiều danh nhân kiệt xuất: Đinh Tiên Hoàng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu...

Lịch sử và văn hóa vùng đất cố đô chính là những chất liệu “đầu vào”, là nguồn cảm hứng để sáng tạo các sản phẩm văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh. Vì vậy, tại các sự kiện liên hoan phim hay xúc tiến du lịch điện ảnh ở trong và ngoài nước, Ninh Bình đã giới thiệu chất liệu ấy đến các nhà làm phim quốc tế với mong muốn không chỉ là một phim trường, mà còn tham vọng trở thành kinh đô điện ảnh.

Với ý tưởng xây dựng một bộ phim huyền sử giữa một không gian đa dạng và dày đặc các dấu tích văn hóa như Ninh Bình, đơn vị BHD đã lên ý tưởng thực hiện dự án phim “Hộ Linh tráng sĩ”, phóng tác dựa trên các câu chuyện kể, truyền thuyết dân gian về lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng.

“Bộ phim kể về 7 tráng sĩ mang trong mình sức mạnh phi thường và tinh thần bất khuất. Đó là câu chuyện về tình yêu gia đình, thầy trò, là ngọn lửa tình yêu đôi lứa, lòng trung thành phụng sự vua, khát vọng bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

“Hộ Linh tráng sĩ” không chỉ kể về bí ẩn lăng mộ vua Đinh, mà còn là lời nhắc nhớ linh hồn của đất nước không chỉ nằm trong những di tích cổ xưa, mà còn ở trong từng nhịp thở, từng bước chân của chúng ta trên mảnh đất này”, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch BHD cho hay.

Tuy nhiên, đại diện BHD cũng cho biết, lịch sử đã trải qua hàng ngàn năm, trong khi nguồn sử liệu ghi chép về trang phục thời Đinh vô cùng hạn chế. Chính vì thiếu thốn sử liệu, nguồn ghi chép đáng tin cậy nên tọa đàm và triển lãm “Trang phục và cổ phục thời Đinh” được tổ chức nhằm giải bài toán khó về cổ phục nói chung, cổ phục và trang phục trong phim cổ trang nói riêng.

Chương trình đã giới thiệu các bộ trang phục của một số nhà thiết kế, gồm: 2 bộ giáp trụ, binh sĩ và tướng lĩnh thời Đinh - Tiền Lê của tác giả Phương Đông; phục trang và tập quán dân thường thời Đinh của họa sĩ Thanh Nam; bộ trang phục nam - nữ của tác giả Dương Phạm Trí; trang phục Thái hậu Dương Vân Nga, vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành; phỏng dựng trang phục áo viên lĩnh đại khâm; trình diễn cổ phục; nghe chia sẻ từ chuyên gia cổ phục Nguyễn Đức Lộc…

giai-bai-toan-phuc-trang-cho-phim-huyen-su-viet-3.jpg
Đại diện nhà sản xuất cho biết, dự án phim 'Hộ Linh tráng sĩ', dựa trên truyền thuyết dân gian về lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: BHD.

Phục trang - một nửa thành công, toàn phần thất bại

Cùng việc giới thiệu dự án, tọa đàm, triển lãm Trang phục và cổ phục thời Đinh, “Hộ Linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh” cũng được giới thiệu là một dự án điện ảnh mang đậm dấu ấn lịch sử và hành động, quy tụ nhiều gương mặt đình đám và tâm huyết của điện ảnh Việt Nam. Đây không chỉ là một bộ phim, mà còn là một công trình văn hóa - nghệ thuật được đầu tư công phu, nhằm tái hiện một phần lịch sử.

Đặc biệt, gương mặt Johnny Trí Nguyễn không còn xa lạ với khán giả Việt qua loạt phim hành động: Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng… sẽ đảm nhiệm vai trò đạo diễn hành động võ thuật trong phim. Bên cạnh đó, đạo diễn hành động Tuấn Nguyễn sẽ kết hợp cùng Johnny Trí Nguyễn trong dự án, hứa hẹn tạo nên những phân đoạn hành động tinh xảo.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định sự thành công của dự án. Bởi với dòng phim cổ trang nói chung và huyền sử nói riêng, phục trang vẫn là yếu tố chính quyết định thành bại. Đây không chỉ là một bài toán, mà còn là thách thức mà cho đến nay, gần như chưa có một bộ phim cổ trang nào của điện ảnh Việt có thể vượt qua.

Phim “Đường tới thành Thăng Long” - một dự án với kinh phí khá lớn được thực hiện nhân đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội dài 19 tập, với nội dung phim xoay quanh con người và sự nghiệp vua Lý Công Uẩn, cho đến nay vẫn “đắp chiếu” vì lý do phục trang.

Không chỉ bị chỉ trích do có quá nhiều cảnh quay, phục trang, lời thoại, diễn xuất cũng như nội dung mang đậm màu sắc Trung Hoa. “Đường tới thành Thăng Long” còn bị nhiều chuyên gia thẳng thắn phê bình và ví đó như một “sự phá hoại”, vì phần phục trang của các nhân vật chính, từ thiền sư Vạn Hạnh cho tới vua Lý Thái Tổ trông y như Đường Tăng và hoàng đế Đường Thái Tông trong phim “Tây Du Ký”.

giai-bai-toan-phuc-trang-cho-phim-huyen-su-viet-2.jpg
Đoàn làm phim 'Hộ Linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh' khảo sát bối cảnh tại Ninh Bình. Ảnh: BHD.

Sau “Đường tới thành Thăng Long”, phim “Thiên mệnh anh hùng” do Victor Vũ đạo diễn, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết võ hiệp “Bức huyết thư” của Bùi Anh Tấn và dựa trên bối cảnh thời Hậu Lê cũng bị chê vì… phục trang của Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh quá giống với trang phục của Võ Tắc Thiên trong phim “Võ Tắc Thiên”, hay Vương Hi Phượng trong phim “Hồng Lâu Mộng”.

Mới đây nhất, những bộ phim như: Phượng khấu, Mỹ nhân kế, Cám… dù thuộc dòng cổ trang, huyền sử, truyền thuyết, song gần như không có phim nào không bị chê. Có những mẫu phục trang, nhà thiết kế tránh tình trạng giống Trung Quốc, song lại không phù hợp, cái thì “hở bạo” yếm không giống yếm, cái thì cách tân không rõ là áo dài Việt hay sườn xám Trung Hoa.

Bởi trang phục trong phim cổ trang Việt là một rào cản, thách thức nên “Hộ Linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh” không thể không e ngại. Tuy nhiên, nếu thành công từ phục trang, thì có thể khẳng định bộ phim đã thành công một nửa.

Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình thừa nhận, khi bắt tay vào làm dự án phim “Hộ Linh tráng sĩ”, ê-kíp gặp rất nhiều khó khăn - đặc biệt là cổ phục, vì tư liệu trang phục thời kỳ này quá hạn chế. Tuy nhiên, không thể để hạn chế về tư liệu phục trang cản trở các nhà làm phim kể một câu chuyện của những người Việt xưa, về hình tượng các tráng sĩ của dân tộc.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giai-bai-toan-phuc-trang-cho-phim-huyen-su-viet-post726470.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giai-bai-toan-phuc-trang-cho-phim-huyen-su-viet-post726470.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải bài toán phục trang cho phim huyền sử Việt