Giải mã lý do chính khiến lệnh trừng phạt Nga của phương Tây thất bại

Công Thuận | 07/09/2023, 15:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nga được dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng sản lượng dầu giảm 30% và GDP giảm 15%, tuy nhiên điều này đã không xảy ra.

Ước tính đó được chứng minh là không chính xác. Nhập khẩu vào Nga chỉ giảm 13% vào cuối năm ngoái. Để so sánh, mức suy giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 và 2015 lớn hơn gấp 3 lần. Trong nửa đầu năm 2023, nhập khẩu của Nga ổn định trở lại mức trước khủng hoảng năm 2021.

Đối với việc nhập khẩu linh kiện công nghệ, các lệnh trừng phạt có hiệu quả tốt hơn một chút. So sánh tháng 7/2023 với tháng 7/2021, nguồn cung máy móc và linh kiện điện giảm 27%, máy tính giảm 13%, dụng cụ và thiết bị giảm 46% và thiết bị vận tải giảm 70%.

Chất lượng của những hàng hóa này có thể cũng bị ảnh hưởng vì Nga phải bù đắp lượng hàng nhập khẩu bị mất bằng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, không thể xác định được tỷ lệ thực sự của các loại hàng hóa này từ Trung Quốc và tỷ lệ nào được nhập khẩu từ các nước phương Tây khác. Đồng thời, Nga vẫn duy trì khả năng sản xuất vũ khí công nghệ mới, mặc dù hiện nay các linh kiện mất nhiều thời gian hơn do vận chuyển và chi phí cao hơn.

Như vậy, cán cân thương mại của Nga lên tới 57 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, chỉ thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021. Do Nga vẫn xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn mua nên ngân hàng trung ương Nga có điều kiện bổ sung nguồn dự trữ của mình.

Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế Lidiia Lisovska cho biết: “Nga đã tích lũy được tài sản nước ngoài mới trị giá khoảng 150 tỷ USD trong suốt thời gian chịu các lệnh trừng phạt. Mặc dù các lệnh trừng phạt đã đóng băng một cách hiệu quả một phần đáng kể dự trữ ngoại hối trước xung đột của Nga nhưng chúng không ngăn chặn được dòng vốn mới”.

Nền kinh tế Nga nhìn chung đang có xu hướng giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu. Nước này có ít ngoại tệ hơn nên đồng rúp của Nga đã mất giá xuống còn khoảng 100 rup/1 USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga có thể rút dự trữ tích lũy của mình bất cứ lúc nào để ổn định tỷ giá hối đoái nếu thấy cần thiết. Miễn là Nga duy trì được thặng dư thương mại thì nước này không quan tâm liệu tài sản của mình có bị đóng băng ở phương Tây hay không.

Vì sao lệnh trừng phạt thất bại?

Một trong những lý do chính là các biện pháp trừng phạt mất quá nhiều thời gian mới có hiệu lực. Nga đã có sự chuẩn bị từ 6 - 12 tháng để đối phó với các lệnh trừng phạt: tìm thị trường mới, sắp xếp việc cung cấp linh kiện, xây dựng cơ sở hạ tầng và giành được sự ủng hộ chính trị ở các nước trung lập.

Một vấn đề nổi lên là các biện pháp trừng phạt chỉ có hiệu lực sau khi Nga tìm được giải pháp thay thế cho thị trường phương Tây. Ngay cả khi không thể thay thế hoàn toàn thị trường châu Âu, những người mua thay thế sẽ giảm thiểu những tác động bất lợi đối với Nga. Nếu cú sốc về việc ngừng cung cấp đột ngột không xảy ra thì các lệnh trừng phạt sẽ mất đi ý nghĩa.

Giải mã lý do chính khiến lệnh trừng phạt Nga của phương Tây thất bại - Ảnh 3.

Các nước EU thậm chí đang tăng nhập khẩu LNG từ Nga. Ảnh: CNN

Địa lý xuất khẩu dầu của Nga cũng đã thay đổi đáng kể chỉ sau một năm. Dòng dầu của Nga đã chuyển sang Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đúng lúc lệnh trừng phạt dầu thô bằng đường biển được áp dụng vào đầu năm 2023. Do đó, sản lượng dầu xuất khẩu của Nga hầu như không bị thu hẹp. Mọi thứ đang hướng tới tình trạng hàng hóa Nga đang dần có chỗ đứng ở châu Á và trở nên đắt đỏ hơn.

Việc các công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga cũng không phải là một cú sốc với nước này. Thứ nhất, chỉ có một số ít công ty đã làm như vậy. Một số khác tiếp tục hoạt động, thậm chí tăng cường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga vốn đang khan hiếm một số loại hàng hóa. Thứ hai, Nga đã nhập khẩu được một số mặt hàng quan trọng thông qua nước thứ ba.

Thực tế là cộng đồng doanh nghiệp Nga đã phát triển đủ để làm chủ được hoạt động "nhập khẩu song song". Đó là khi hàng hóa được nhập khẩu không trực tiếp mà qua nước thứ ba. Với các kho hàng ở Kazakhstan và hệ thống hậu cần được thiết lập tốt, việc nhập khẩu cả hàng hóa được phép và bị cấm vào Nga là có thể.

Hiện tượng này hiện nay đã trở nên phổ biến khi nhiều công ty hậu cần của Nga đã cung cấp dịch vụ này theo hình thức đó. Điều này đắt hơn so với việc nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, nhưng vẫn giúp ngành công nghiệp Nga tiếp tục phát triển. Nga có thể nhập khẩu phụ tùng ô tô, máy công cụ, hóa chất chuyên dụng, điện tử…

Linh kiện điện tử cho vũ khí cũng đến Nga thông qua một chuỗi trung gian. Mặc dù các nước phương Tây cấm bán sang Nga nhưng chip vẫn tìm đường đến các nhà máy của Nga, đặc biệt thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan và các nước trung lập khác.

Chính các nước phương Tây cũng "nhắm mắt làm ngơ" trước diễn biến này. Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, lưu ý rằng xuất khẩu của Đức sang Kyrgyzstan năm nay cao gấp đôi so với nhập khẩu của Kyrgyzstan từ Đức. Thương mại giữa Đức và Kyrgyzstan đã tăng gấp 10 lần một cách bất thường và không ai thấy điều gì đáng ngờ trong việc này.

Bên cạnh đó, không phải tất cả hàng hóa của Nga đều bị trừng phạt. Ngoài các sản phẩm dân dụng và thực phẩm, còn có một số miễn trừ: bạch kim, kim loại màu, kim cương, một số sản phẩm thép, v.v. Các nước phương Tây, chủ yếu là EU, vẫn đang mua tất cả những mặt hàng này, thúc đẩy xuất khẩu của Nga ở mức ít nhất 20 tỷ USD.

Ngoài ra, lệnh cấm vận năng lượng đã trở thành một sự thỏa hiệp. Thứ nhất, EU vẫn nhập dầu của Nga thông qua một nhánh của Đường ống Druzhba. Thứ hai, việc nhập khẩu khí đốt qua đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vẫn đang diễn ra. Nguồn cung LNG thậm chí còn tăng lên. Kết hợp với những lỗ hổng trong lệnh cấm vận dầu mỏ, điều này mang lại thêm hàng chục tỷ USD cho kho bạc của Moskva.

Hiện tại, các biện pháp trừng phạt đã đạt đến giai đoạn mà mọi hạn chế tiếp theo đều có nguy cơ ảnh hưởng đến cả Nga và các nước phương Tây. Áp lực chống Nga không tăng lên trong những tháng gần đây, vì vậy Nga tiếp tục có nhiều thời gian để tìm thị trường mới và cách lách các lệnh trừng phạt. "Cách tiếp cận các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây đôi khi thiếu quyết đoán, trong khi khả năng thích ứng của Nga bị đánh giá rất thấp. Các nước phương Tây cũng thận trọng về tác động kinh tế tiềm tàng của các biện pháp trừng phạt", Vladyslav Vlasiuk, cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine, kết luận.

Theo Báo Tin Tức
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/giai-ma-ly-do-chinh-khien-lenh-trung-phat-nga-cua-phuong-tay-that-bai-20230906155412462.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/giai-ma-ly-do-chinh-khien-lenh-trung-phat-nga-cua-phuong-tay-that-bai-20230906155412462.htm
Bài liên quan
Con số may mắn hôm nay 15/11/2024 theo tuổi: Tìm SỐ ĐẸP giúp PHÁT TÀI ngay
Con số may mắn hôm nay 15/11/2024 theo tuổi của bạn là số bao nhiêu, đâu là số đẹp hôm nay theo 12 con giáp chuẩn xác nhất, hãy tham khảo ngay trong bài viết dưới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải mã lý do chính khiến lệnh trừng phạt Nga của phương Tây thất bại