Giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018

27/11/2023, 10:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hiện nay, vai trò, trách nhiệm của người giáo viên đã thay đổi theo hướng phải đảm nhận nhiều chức năng hơn.

Phát triển năng lực tổ chức các hoạt động dạy học

Nếu tri thức về bộ môn là nền tảng thì phát triển năng lực tổ chức các hoạt động lại là giải pháp then chốt. Thực tế đôi khi trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập chúng ta mắc phải một số lỗi như là dạy học theo hướng “Thầy bói xem voi”; thiếu bao quát bài dạy: Sau khi dạy xong bài nào chúng ta phải cho học sinh biết được đó là cái gì? học cái đó để làm gì? tại sao phải học cái đó; phương án đánh giá sản phẩm đầu ra: Dạy học thiếu các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành của học sinh. Xem nhẹ bộ câu hỏi định hướng...

Chúng ta phải biết rằng chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo. Vậy khi dạy và học chúng ta cần chú ý những vấn đề gì?

Thứ nhất: Khi viết mục tiêu của kế hoạch bài dạy: Sách giáo khoa đã viết mục tiêu cho từng bài, mỗi sách viết theo một hướng khác nhau, các mục cũng khác nhau. Do đó khi dạy chúng ta hãy lấy chương trình làm gốc, có những mục trong sách giáo khoa mà ngoài yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018 thì có thể cho học sinh tự đọc, hoặc hướng dẫn tự học.

Khi viết mục tiêu cơ bản chúng ta quan tâm nhiều đến năng lực nhận thức (kiến thức) mà không chú ý nhiều đến các năng lực khác. Lúc dạy cũng chỉ tập trung kiến thức là chính, nhưng mục tiêu về năng lực thì hay quên? Chưa kể đến việc giữa mục tiêu và tổ chức hoạt động trong từng mục không khớp với nhau? Mục tiêu viết phát triển năng lực A nhưng trong tổ chức hoạt động không thấy A đâu?

Thực tế cho thấy cùng 1 bài, có người dạy hay có người dạy chưa hay một phần vì cái nhìn về mục tiêu khác nhau: Tương tự như khi đi câu cá: Có người chỉ nghĩ đến mục tiêu là câu được nhiều cá (và như vậy người đó sẽ sắm cần tốt, mồi ngon, vị trí thuận lợi...). Có người lại nghĩ khác, trước khi đi câu cá họ nghĩ con cá cần cái gì, cá thích loại mồi nào?

Hình thức, mô hình, phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực: Chuyển học đi đôi với hành sang học thông qua hành. Chuyển hình thức dạy học từ NGHE, NHÌN sang TỰ TRÌNH BÀY và LÀM.

Một số phương pháp, mô hình, cách thức dạy học như dạy học STEM, dự án, hoạt động trải nghiệm, mô hình lớp học đảo ngược. Các phương pháp này đều có điểm chung là đưa thực tiễn vào bài học, dạy học theo lối ứng dụng ngược.

Trước đây học xong lý thuyết rồi mới ứng dụng, bây giờ học ứng dụng và kiểm nghiệm lý thuyết. Trước đây khi ta ít chú trọng đến phần ứng dụng, nhưng bây giờ phần này trở thành trọng tâm cần phải triển khai cho học sinh trên lớp. Mỗi phương pháp trên đều có quy trình và yêu cầu riêng, nhưng chung quy lại đều phải thực hiện các hoạt động như:

- Xác định vấn đề: Mỗi bài học phải cho học sinh xác định được học bài đó để làm gì? Tại sao mình phải nghiên cứu về kiến thức đó?

- Để thực hiện được điều đó học sinh cần làm gì (ở nhà, trên lớp)? giáo viên cần làm gì? yêu cầu mức độ nào?

- Phải xây dựng được bộ câu hỏi định hướng và các tiêu chí đánh giá.

- Xây dựng phương án tổ chức thực hiện và kiểm tra đánh giá.

Thay đổi tư duy sinh hoạt tổ chuyên môn

Sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc từ phía giáo viên như vấn đề sử dụng hợp lí sách giáo khoa trong dạy học, cải tiến và đổi mới các phương pháp và kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển năng lực, sáng tạo đồ dùng dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin...

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng phân tích hoạt động học tập của học sinh: Học sinh học như thế nào, gặp khó khăn gì trong học tập? Kết quả học tập? Trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh; đánh giá quá trình thực hiện và kết quả học tập của học sinh.

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng phân tích bài học: Bài học có gì mới so với sách giáo khoa cũ? Nội dung hoạt động học tập có phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh không? Thống nhất nội dung cần điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh?

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng xây dựng nguồn học liệu và hướng dẫn tự học: Các tổ bộ môn nên xây dựng nguồn học liệu như nguồn đề, các bài thao giảng, sáng kiến kinh nghiệm, các mô-đun, chuyên đề kiến thức, video bài giảng. Từ đó, thành lập trang học liệu từng tổ, yêu cầu tổ bộ môn phải đưa lên trang nhà trường trong mục tổ của mình có mã hóa mật khẩu, khi nào ai cần đến thì lấy.

Sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng chuyển đổi số trong dạy học và đánh giá học sinh. Hiện nay các phần mềm ứng dụng trong dạy học và kiểm tra đánh giá rất nhiều, nhưng tính hiệu quả lại chưa được phổ rộng.

Giáo viên cơ bản là mạnh ai nấy làm, chưa có được hướng dẫn cụ thể, những chia sẽ kinh nghiệm chỉ mang tính nhỏ lẻ. Mặt khác một bộ phận giáo viên thiếu tinh thần học hỏi, đổi mới, ngại khó, ngại khổ, ngại bị đánh giá... Tôi thiết nghĩ chúng ta nên tổ chức những buổi trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học theo hướng chuyên đề, có thể lồng ghép trong họp hội đồng.

Theo tôi để nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết cần phải “giải phóng” người dạy, “giải phóng” người học, phát huy được khả năng sáng tạo, tư duy độc lập tích cực của người dạy và người học. Với phương châm đưa cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-thuc-hien-hieu-qua-chuong-trinh-gdpt-2018-post662180.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-thuc-hien-hieu-qua-chuong-trinh-gdpt-2018-post662180.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018