Xây dựng ngân hàng ngữ liệu đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định cho chất lượng dạy và học Ngữ văn trong nhà trường. |
Từ thực tế triển khai xây dựng ngân hàng ngữ liệu cho kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn chuẩn bị cho quá trình tạo lập đề thi bộ môn, cô Nguyễn Thị Giang Hương cho biết đã thực hiện theo các giải pháp chính, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần có và bám sát vào bảng đặc tả, ma trận trước khi ra đề.
Giáo viên cần chịu khó đọc, tìm tòi, tích luỹ ngữ liệu từ những nguồn tin cậy, tra cứu, thẩm định kĩ trước khi chọn lựa làm ngữ liệu mới cho việc dạy học, để rèn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá.
Chú ý độ khó của ngữ liệu, cần tương đương các văn bản trong sách giáo khoa về thể loại, dung lượng, cách diễn đạt, chủ đề, nội dung, mang tính giáo dục cao… Ngữ liệu và yêu cầu đảm bảo đánh giá được năng lực, phẩm chất của học sinh.
Cần cung cấp thêm phần ghi chú, giải thích, cung cấp thêm những thông tin giúp học sinh hiểu rõ hơn văn bản. Ngữ liệu cần đảm bảo tính vừa sức, có độ phân hoá, đảm bảo phù hợp giữa yêu cầu của đề với giới hạn thời gian quy định.
Thầy cô trước hết phải là người hiểu đúng ngữ liệu và yêu cầu của bài học, sau đó mới dẫn dắt học sinh đọc hiểu và vận dụng tri thức tích hợp để diễn đạt ý hiểu thành câu chữ, thành đoạn, thành bài văn ngắn.
Giáo viên cũng cần nắm vững tri thức về lý luận văn học, thể loại, cách đọc hiểu văn bản theo thể loại và hướng dẫn học sinh tìm hiểu ngữ liệu theo thể loại. Những thông tin về tác giả, thời đại…(như Tiểu dẫn của sách Ngữ văn cũ) học sinh sẽ tự tìm hiểu, giáo viên chỉ chú trọng gợi mở giúp trò khám phá các giá trị nội dung và nghệ thuật của ngữ liệu.