Giai thoại bà chúa Muối ở vùng biển Thái Bình

Trần Hoà | 08/10/2022, 09:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ Đệ Tam phi của vua Trần Anh Tông, trở thành huyền thoại bà chúa Muối là câu chuyện dài đẫm nước mắt của cô gái vùng biển Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh.

Mong muốn Tam phi và long thai trong bụng được cứu giúp, vua Trần Anh Tông bèn đem bà xuất cung, về quê ngoại dưỡng bệnh. Thấy Tam phi chiều nào cũng ngồi bên cửa sổ nhìn ra cánh đồng muối của làng, lũ trẻ mục đồng hò nhau lấy bồ cỏ làm người nộm vây quanh nhảy múa để Tam phi bớt nỗi buồn.

Nhìn lũ trẻ nhảy múa rất vui, Tam phi Nguyễn thị nhếch mép cười rồi quy tiên vào ngày 14 tháng 4 năm Mậu Tuất (1358), long thai cũng theo mẫu thân mất đi. Phủ chủ Quang Lang vội tức tốc phi ngựa về kinh thành báo tin dữ.

Nghe tin Tam phi mất, vua Trần Anh Tông vô cùng thương xót, đã cho lập đền thờ, truy tôn làm phúc thần và tổ chức lễ hội 14 tháng 4 âm lịch hàng năm. Vì sinh ra ở làng nghề muối, Tam phi cũng được gọi là bà chúa Muối. Lễ hội bà chúa Muối còn có tên gọi là Lễ hội ông Đùng bà Đà.

Sau này, vua Anh Tông gia thêm các chữ, thụy hiệu đầy đủ của Tam phi Nguyễn thị là Từ Ý Thái Hòa Đệ Tam cung phi.

Danh tích một thuở, tưởng nhớ ngàn năm

Giai thoại bà chúa Muối ở vùng biển Thái Bình ảnh 2
Hình nộm ông Đùng bà Đà và Đùng con.
Giai thoại bà chúa Muối ở vùng biển Thái Bình ảnh 3
Tục rước hình nộm ông Đùng bà Đà trong Lễ hội bà chúa Muối.
Giai thoại bà chúa Muối ở vùng biển Thái Bình ảnh 4
Là nhân vật huyền thoại, nhưng bà chúa Muối cũng là nhân vật lịch sử có thật.

Hằng năm, cứ đến ngày 14 tháng 4 âm lịch, dân làng Quang Lang lại tổ chức Lễ hội bà chúa Muối theo cách rất trọng thể. Những ngày này, người ta làm hình nộm ông Đùng bà Đà, diễn lại tích trò xưa trẻ con chơi hầu bà.

Màn biểu diễn múa bao gồm một ông Đùng, một bà Đà tượng trưng cho hai bố mẹ và hai hình nộm con tượng trưng cho con cháu. Khi múa, các hình nộm nghiêng ngả, lúc quay sang phải, khi lại quay sang trái. Các vai ông Đùng bà Đà phối hợp sao cho thật nhuần nhuyễn.

Có những lần giáp mặt thân chập vào nhau, tượng trưng cho ước vọng sinh sôi nảy nở, mong nhiều hoa trái của dân làng. Đùng bố mẹ đi trước, các Đùng con quấn quýt theo sau. Đoàn người nhộn nhịp vừa đi vừa chúc tụng nhau. Người ta xướng vang những câu ca chúc tụng công đức bà chúa Muối.

Hết một vòng quanh làng, quay trở lại cửa đền, ai nấy lại náo nức tham gia tục phá Đùng. Vừa nhanh vừa mạnh, mọi người tiến về phía những ông Đùng, ai cũng mong giành được về cho gia đình ít nhất là một nan tre, hay may mắn hơn là cái mặt nộm Đùng.

Người dân Quang Lang tin rằng trong nhà, dưới thuyền hay bất cứ đâu có cắm nan tre ông Đùng sẽ mang lại cho họ cuộc sống sung túc no đủ, mùa lúa, mùa cá bội thu, gia đình hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

Đền thờ bà chúa Muối cũng là một công trình kiến trúc đặc biệt kết hợp giữa đền và chùa, tọa lạc trên mảnh đất Trang Quang Lang xưa. Chùa quay hướng Bắc là nơi thờ Phật, đền quay hướng Nam là nơi thờ Thánh mẫu Tam phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh.

Giới nghiên cứu cho rằng, đây là ngôi đền - chùa từng rất giá trị, mà trong bia đá năm 1596 có đoạn viết như sau: “Cổ tích Thái Bình hưng quốc tự, bản cổ truyền chi danh lam, bảo Nam bang chi thắng cảnh…” - Nghĩa là: “Khu đền chùa Thái Bình Hưng Quốc là nơi danh lam cổ truyền, là địa danh thắng cảnh quý báu nhất dưới trời Nam…”.

Trên bia còn ghi “Nhất truy phong Từ Ý Thái Hòa Đệ Tam cung phi Linh Ứng Tôn thần” - sắc cho làng Quang Lang hương khói phụng thờ bà chúa Muối.

Giai thoại bà chúa Muối ở vùng biển Thái Bình ảnh 5
Diêm dân vùng Thái Bình gắn liền với tục thờ bà chúa Muối. Ảnh minh họa: IT

Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, năm 1963 đền thờ bà chúa Muối đã không còn. Đến 1998, người dân xây tạm căn nhà nhỏ thờ bà chúa trong khuôn viên chùa Hưng Quốc. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định khôi phục lại đền thờ bà chúa Muối vào đúng nơi xa xưa đã thờ phụng bà.

Lễ hội truyền thống bà chúa Muối với tục múa dân gian ông Đùng bà Đà không chỉ là nơi gửi gắm ước vọng của người dân làng muối về sự sinh sôi, nảy nở. Lễ hội còn thể hiện lòng thành kính của nhân dân đối với bà chúa Muối, đồng thời giáo dục cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trải qua hàng trăm năm, Lễ hội bà chúa Muối và tục rước Đùng vẫn giữ nguyên được bản sắc độc đáo vốn có. Với những giá trị đặc sắc đó, ngày 21/11/2016 - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định cấp Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho không gian Lễ hội ông Đùng bà Đà.

Bài liên quan
Giải mã sự tích thờ thần hổ và chuyện ma Trành
Hổ hại người nhưng cuối cùng đã biết cúi đầu hối hận trước ân nhân và hóa thành hòn đá bên mộ. Sự tích thờ thần hổ ở Việt Nam khá đa dạng, thậm chí mang tích huyền hoặc khi sánh cùng ma Trành.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giai thoại bà chúa Muối ở vùng biển Thái Bình