Giải mã sự tích thờ thần hổ và chuyện ma Trành

Trần Hoà | 04/02/2022, 15:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hổ hại người nhưng cuối cùng đã biết cúi đầu hối hận trước ân nhân và hóa thành hòn đá bên mộ. Sự tích thờ thần hổ ở Việt Nam khá đa dạng, thậm chí mang tích huyền hoặc khi sánh cùng ma Trành.

Ma Trành ám ảnh

Sự tích thần hổ được lưu truyền đặc biệt tại vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Vào cuối thời nhà Lê, dân gian còn thêm huyền tích Trành quỷ hiển linh - linh hồn người bị hổ ăn thịt biến thành tinh của hổ, thường dẫn đường cho hổ đi bắt người, khi có dịp lại hiện ra thành hình người.

Theo huyền tích này, khi hổ đã ăn thịt người nào thì vong hồn của nạn nhân mãi bị cọp khống chế để mách bảo những điều xấu tốt, làm cho những con hổ trở nên tinh quái đặc biệt.

Huyền tích về ma Trành sau này được chuyển thể qua những tiểu thuyết như Thần Hổ (1937), Ai hát giữa rừng khuya (1942) của Tchya (nhà văn Đái Đức Tuấn). Hai tiểu thuyết với hai nhân vật tạm coi là “hoang đường” nhất trong lịch sử văn học mà mấy chục năm qua, chỉ cần nhắc đến cũng khiến nhiều người run sợ.

Lấy bối cảnh từ vùng đất phía Bắc Thanh Hóa thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945, Đái Đức Tuấn dựng một khung cảnh đầy ám ảnh và thê lương, rùng rợn liên quan đến hổ.

Theo quan niệm của dân sơn tràng, và qua ngòi bút của Đái Đức Tuấn, đó là những con hổ hùng mạnh, vị chúa tể chí tôn của rừng xanh có uy quyền không cần bàn cãi.

Chưa cần đến những cú vồ chết chóc, chỉ vẳng nghe tiếng gầm vang động, nhác thấy ánh mắt quắc lên như nhiếp hồn, hay ngửi thấy mùi tanh tao chết chóc, mọi vật trong rừng sâu đều nín câm trong không khí nặng nề, ngột ngạt.

Loài hổ với thiên tư linh mẫn, tai nghe thấy hết mọi sự người ta nói, óc cảm thấy hết những gì người ta nghĩ, nên hễ ai dám báng bổ, khinh nhờn hay hỗn xược, thì nó trừng trị cho khốc hại thì thôi. Nhẹ thì hổ bắt đi con bò, con lợn để cảnh cáo. Nặng hơn thì nó “ban” cho một cú cắn cổ, kẻ ngỗ ngược sẽ thành một thây ma hồn lìa khỏi xác.

Hổ vốn thù dai. Nhưng chỉ bị một ngọn cây cành cỏ chạm vào vành tai thì nó bỗng quên hết chuyện cũ. Nhưng với những con hổ đã nếm đủ xương thịt của 100 con người, thì vành tai nó có 100 vạch máu đỏ, cỏ cây chạm vào chẳng còn tác dụng gì - nó đã là thần hổ.

Thần hổ có vẻ ngoài màu xám chứ không vằn vện như những chúa sơn lâm bình thường. Nó chỉ phục tùng những con hổ màu đen lão luyện trong việc cắn cổ loài người, và sau cùng là hổ trắng. Hổ trắng được coi là chúa của các thần hổ, tu luyện cả trăm năm, có lúc hiển hiện như một con người.


Bức bình phong hổ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Ma Trành và thần hổ luôn đi đôi với nhau, và cho đến nay những câu chuyện này vẫn ẩn chứa nhiều bí mật cũng như ám ảnh bà con vùng rừng cao núi thẳm. Sự tích thần hổ và ma Trành cũng là chuyện tình cảm của con người với thế giới tâm linh. Đồng thời là cuộc đấu sức, đấu trí với các thế lực huyền bí lẩn khuất trong tâm thức con người.

Xung quanh thần hổ luôn có hàng trăm oan hồn lẩn quất, phiêu diêu theo hầu hạ. Đó là những con ma Trành - nạn nhân của hổ. Mỗi tiếng gừ nhẹ trong cổ họng, đám ma Trành vội vã chầu chực bên cạnh, chịu cho hổ hành hạ khủng khiếp và sai khiến làm những việc đau đớn, thương tâm.

Nơi hoang vu rừng thẳm, người dân vía yếu nhìn đâu cũng thấy ma: Ma xó, ma lai, ma gà, ma người chết do gấu vồ, ma người chết do rắn cắn, ma người chết vì lá ngón… Nhưng thê lương nhất trong các loài ma vẫn là ma Trành - thân xác thì làm miếng mồi lót dạ, hồn phách thì chịu kiếp nô lệ cho hổ dữ đã cắn mình.

Trong quan niệm dân gian và qua ngòi bút của Đái Đức Tuấn, ma Trành vẫn giữ dáng dấp, thói quen sinh hoạt và tình cảm như khi còn sống. Biết yêu, biết giận, biết căm thù, biết khổ đau. Mấy anh em nhà đào hát thì đêm đêm đàn hát cho hổ thần nghe, tạo nên tiếng hát liêu trai nơi rừng khuya thanh vắng.

Ma Trành mãi chịu kiếp nô lệ không thể siêu thoát nếu chưa dụ dỗ được một người khác đến cho hổ ăn thịt, làm ma Trành thế chân nó. Ma Trành phải dùng bất cứ thủ đoạn nào để đưa bất cứ ai, kể cả người yêu, người thân hay kẻ vô can đến miệng hổ.

Như hai con ma Trành nữ, bị chàng thợ săn bắt giữ khi chúng trêu ngươi anh trong rừng thiêng dưới chân đèo Ba Dội. Được tha mạng, chúng quấn lấy hai anh em người thợ săn, buông tuồng quyến rũ ái ân. Chúng lại nhẫn tâm khiến họ thành những con ma cụt đầu, nhà tan cửa nát vì chút yêu đương phù phiếm không được người dương gian đáp lại.

Bài liên quan
Robot đến lớp "hộ" học sinh
(GDTĐ) - Một địa phương ở Đức đã cho phép robot đến lớp thay học sinh, trong trường hợp các em không thể đến trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải mã sự tích thờ thần hổ và chuyện ma Trành