Nơi vua Đinh nuôi hổ: Pháp trường trừng trị kẻ ác độc nhất vô nhị

Trần Hoà | 04/02/2022, 15:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Động Am Tiên nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) chính là nơi xưa kia vua Đinh Tiên Hoàng từng nuôi hổ dữ, xây pháp trường để trừng trị những kẻ phạm trọng tội.

Theo các nhà sử học, cũng bởi bước đầu xác lập nhà nước, xây dựng chế độ phong kiến nên các triều đại thế kỷ 10 còn nhiều điểm mang tính sơ khai, chưa được hoàn chỉnh. Tiếng là đã chế định triều nghi từ thời nhà Ngô với hai ban văn võ, nhưng trong lĩnh vực hình pháp, thì luật pháp thành văn. Triều đình xét xử vẫn dùng luật tục trong dân gian là chủ yếu.

Trong giai đoạn chuyển giao thời đại từ Bắc thuộc thành độc lập tự chủ, đất nước sơ khai phải lo củng cố sức mạnh quân sự để đương đầu với sự xâm lược trở lại của phương Bắc. Thế nên trong hàng ngũ quan lại chủ yếu là quan võ, ngay cả các vua thời Ngô, Đinh, Tiền Lê đều là những người giỏi về chiến trận, đánh dẹp hơn là văn nghiệp.

Đinh Bộ Lĩnh sau khi lên ngôi đã định phẩm bậc của các quan văn, võ và tăng đạo. Tuy nhiên, trị nước không chỉ là gươm bén, giáo dài… trong khi, không đời nào không có kẻ phạm tội. Thế nên khi nhà Đinh thay nhà Ngô, vua Đinh Tiên Hoàng áp dụng một biện pháp chưa từng có.

Các triều đại sau thời Đinh dù khi khép tội tử hình, có những cách xử khác nhau như lăng trì, giảo (thắt cổ), trảm (chém đầu), khiêu (chém bêu đầu) hay dùng thuốc độc… Biện pháp xử án dùng “hổ dữ, vạc dầu” xem ra khắt khe, nhưng đặt trong bối cảnh lịch sử thế kỷ thứ 10 mới thấy được cái lý trong quy định của Đinh Tiên Hoàng.

Đất nước vừa độc lập, loạn 12 sứ quân vừa vãn hồi, trong nhân gian vẫn còn mầm mống phản loạn. Tiêu biểu thời kỳ này là vụ phò mã Ngô Nhật Khánh làm phản, Đỗ Thích ám sát vua. Quan chuyên về võ, chưa có thi cử chọn người tài nên việc chế định luật pháp chưa thể thực hiện.

Là biện pháp mạnh có phần khắc nghiệt, nhưng trong sử sách chưa từng ghi nhận trường hợp nào phạm trọng tội mà bị Đinh Tiên Hoàng bỏ cho hổ xé, hay phải bị luộc chín trong vạc dầu.

“Đại Việt sử ký toàn thư” có viết: “Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm”, đủ cho chúng ta thấy biện pháp của Đinh Tiên Hoàng chủ yếu là răn đe hơn là thực thi. Trong “Việt sử toàn thư” được hậu thế viết sau này cũng khẳng định: “Nhờ có hình luật nghiêm khắc, nền an ninh quốc gia được vãn hồi”.

Vẻ đẹp chốn pháp trường xưa


Sử sách công nhận vua Đinh Tiên Hoàng nuôi hổ trừng trị kẻ phạm tội, tuy nhiên chưa từng có tư liệu xác nhận có người bị hành hình.

Động Am Tiên không chỉ là nơi vua Đinh nuôi hổ dữ, mà còn là nơi Thái hậu Dương Vân Nga tu hành trong quãng cuối đời. Ở động Am Tiên còn lưu giữ một bài thơ truyền khẩu khắc trên tường chùa tóm tắt về cuộc đời bà: Hai vai gồng gánh hai vua/ Hai triều hoàng hậu, tu chùa Am Tiên/ Theo chồng đánh Tống bình Chiêm/ Có công với nước, vô duyên với đời.

Vì vẻ đẹp tự nhiên nên động Am Tiên có tên gọi khác là Tuyệt Tịnh Cốc. Động Am Tiên nay nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, thuộc xã Trường Yên. Động nằm ở lưng chừng núi có độ cao hơn 500m so với mực nước biển, nhờ đó khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ. Động có một cái tên khác là hang rồng, vì khi nhìn từ phía xa có hình dáng tựa như miệng rồng.

Trước đây, khi muốn vào động Am Tiên du khách phải leo qua dãy bậc đá bên vách núi. Hiện nay, di tích đã có một đường hầm xuyên qua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tìm hiểu cội nguồn lịch sử.

Để lên đến được động Am Tiên, du khách sẽ tiếp tục leo lên những bậc thang đá xù xì với những hàng cây xà cừ cổ thụ xanh rì mọc đầy hai bên dọc suốt lối đi, ngoài không gian thoáng mát thì nó còn tăng thêm phần bí hiểm cho chốn pháp trường xưa kia.

Động Am Tiên quay mặt về hướng Tây, trước cửa động vẫn còn lưu giữ một vài bia đá cũ. Phía bên trên cổng động là một bài văn bia được tạc thẳng vào núi, hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nội dung trên bia đá cũng như niên đại. Hai bên cửa động nhà chùa đặt tượng của hai vị hộ pháp sơn son thếp vàng cùng một vài tướng quân của thời Đinh – Lê khiến cho cửa động trông uy nghiêm hơn.

Bước vào bên trong động, chính điện là bệ thờ những pho tượng Phật bằng đá, phía trên là những nhũ thạch với đủ dạng hình thù. Tương truyền dưới chân của các bức tượng này là xương cốt người chết.

Cuối động có một hồ nước nhỏ, được đặt tên là Suối giải oan. Theo lời kể của sư trụ trì: Động Am Tiên từng là nơi nhốt hổ báo trừng trị người có tội thời vua Đinh. Nhưng từ cuối thời Đinh, sang nhà Lê đến thời Hậu Lê thì nơi đây không còn nhốt hổ báo nữa.

Thời Lý, trong một lần đi ngang động thấy âm khí quá nặng, thiền sư Minh Không đã ngày đêm tụng kinh thuyết pháp cảm hóa muông thú, hóa giải vong hồn các tội đồ.

Bài liên quan
Nữ hoạ sỹ Vương Linh và tranh Tết Nhâm Dần “Gia đình ngũ Hổ”
(GDTĐ) - "Gia đình ngũ Hổ" của nữ hoạ sỹ Vương Linh là một trong những tác phẩm đậm dấu ấn chào đón Tết Nhâm Dần 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi vua Đinh nuôi hổ: Pháp trường trừng trị kẻ ác độc nhất vô nhị