Tại những địa phương có người Mường sinh sống, hổ được tôn kính như thần linh. Và ở nơi núi cao vực thẳm, những câu chuyện ly kỳ về hổ được kể từ đời này sang đời kia với những chứng tích về dấu chân, nanh hổ chúa, vết cào từ vuốt nơi vách đá cuối bản… càng tăng thêm sự huyền bí lẫn kinh hãi về hổ.
Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ Mú thuộc họ hổ (Rvai) diễn lại các động tác của hổ - vật tổ của dòng họ với ý thức tự nhắc nhở và giáo dục những người trong cộng đồng rằng mình là người họ hổ và có nguồn gốc từ hổ. Với quan niệm hổ là tổ tiên, người Khơ Mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay vào hổ, không săn bắt, giết hay ăn thịt hổ.
Vì là nghi lễ tưởng nhớ, nên trong trong hội hè người Khơ Mú hóa trang giống như hổ. Khi gặp hổ chết, họ phải khóc than thật sự như tổ tiên của mình qua đời.
Người ta tin rằng khi chết đi, họ sẽ hóa thành kiếp hổ nên khi sống kiêng đắp chăn sặc sỡ như lông hổ, khi chết lại đắp cho chiếc chăn khác màu lông hổ và đặt chiếc chăn giống màu lông hổ bên cạnh để hồn được siêu thóat trở về với hổ, với tổ tiên.
Người Tà Ôi cũng có tục thờ Thần Hổ (Giàng avó). Trong hệ thống thú rừng của người Tà Ôi, hổ được coi là con vật có sức mạnh vô song nên được người dân coi như vị thần bảo hộ cho làng. Việc bắt được hổ theo quan niệm của người Tà Ôi được ví như món quà tặng của thần rừng.
Người dân địa phương ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) lại thường lập am thờ hổ, họ thờ Bạch Hổ sơn quân (ông hổ đi tu). Bạch Hổ sơn quân là tùy tướng thân cận nhất của Thiên Y A Na, tương truyền khi có giặc đánh tới, hổ cùng nữ chúa xung trận. Tùy tướng Bạch Hổ sơn quân xuất hiện đến kết liễu rồi mang đầu giặc treo ở một cây đa trong vùng.
Khi hết giặc, Bạch Hổ sơn quân vào núi đi tu. Nhớ ơn Bạch Hổ sơn quân, người dân ở Trà Bồng lập miếu thờ riêng. Người địa phương nói rằng, vào dịp lễ cúng Thiên Y A Na, cứ đến khoảng 2 - 3 giờ sáng là lúc Bạch Hổ sơn quân xuất hiện.
Những ai muốn Bạch Hổ sơn quân hiện hình thì rải cát ở căn nhà phía sau điện thờ. Sáng hôm sau, vào căn nhà này sẽ thấy dấu chân Bạch Hổ to lớn hiện lên theo hướng đi vào đại điện.
Hổ bảo vệ dân làng
Từ xưa, hình tượng chúa sơn lâm còn đi vào thi ca lẫn giai thoại của nhiều vị anh hùng. Điển hình là câu chuyện Bố cái đại vương Phùng Hưng thu phục hổ dữ bằng tay không hoặc nhiều vị anh hùng đánh thắng hổ như võ tướng Bùi Thị Xuân.
Một số nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, tục thờ hổ xuất phát từ làng Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc). Hiện nay, đình Thổ Tang thờ danh tướng Phùng Lân Hổ, tương truyền ông quê ở làng Đồng Bằng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây. Thân mẫu ông là bà Phùng Thị Dung, chuyên làm nghề kiếm củi nuôi thân.
Một hôm bà vào rừng hái củi, lúc về ra đến cửa rừng vì mệt mà ngủ thiếp đi thì bỗng có đám mây hồng bay đến bao quanh mình, lại có tiếng hổ gầm vang động, bà giật mình tỉnh dậy. Về nhà tự nhiên bà thụ thai, đến kỳ sinh ra cậu bé rất tuấn tú khôi ngô.
Các triều đại phong kiến ở các nước phương Đông nói chung đều coi hổ cùng với rồng là biểu trưng cho vương quyền, quân sự, võ học và cho những thành đạt trong khoa cử. Chính vì vậy, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước châu Á có các biểu tượng văn hóa gắn liền với hình tượng chúa sơn lâm.
Hổ thường mang tiếng ác thú, tuy nhiên lại có nhiều câu chuyện tốt bụng về hổ. Đặc biệt, tại tỉnh Khánh Hòa hiện còn lưu truyền chuyện hổ giúp người và bảo vệ dân làng. Chùa Suối Ngổ, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, xã Vĩnh Phương, TP Nha có một miếu thờ cọp lập từ năm 1889.
Nhà thơ Quách Tấn cũng từng viết lại chuyện này trong cuốn “Xứ Trầm Hương”: “Một năm chùa làm chay vừa xong, người trong chùa và người đến cúng mỏi mệt ngủ quên. Nửa đêm kẻ trộm vào dọn hết mọi thứ. Khổ chủ thức dậy, thất kinh, toan kéo nhau đi tìm thì chợt thấy một đoàn người khiêng gánh kéo vào ngõ.
Đoàn người vào chùa quỳ lạy vị trụ trì thú thực đã ăn trộm và nói: Chúng tôi xuống khỏi dốc thì gặp chúa sơn lâm đứng dựng trên hai chân sau và giơ cao hai chân trước, miệng gầm gừ ra dấu bảo chúng tôi trở lại hết. Biết rằng mình làm việc quấy, mà “ngài” không nỡ hành tội, chúng tôi liền gánh đồ đạc trở lại trả cho chùa và xin sám hối”.