Ka My Hằng trở về tuổi thơ với những đứa trẻ Cơ Ho

Ngọc Trang | 04/02/2022, 09:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Để trở thành cô giáo mầm non, Ka My Hằng phải vượt qua sự ngăn cản của gia đìnhh. Nghề giáo như một tấm vé đưa cô Hằng trở về với tuổi thơ.

anh-1-1-.jpg
Cô giáo Ka My Hằng cùng trò

"Vượt rào" gia đình đến với những đứa trẻ "đi học phí tiền"

Cô giáo Ka My Hằng sinh năm 1992, là giáo viên trường Mẫu giáo Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Năm đầu thi và nhận kết quả trúng tuyển ngành mầm non, gia đình đã ngăn cản quyết liệt khiến Hằng  phải bỏ một năm.

Đến năm thứ hai, Ka My Hằng lại tiếp tục đăng ký thi vào trường mầm non và nhận kết quả trúng tuyển. Cô đã thuyết phục gia đình và bước vào giảng đường trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh.

Khi mới ra trường, Ka My Hằng được phân công giảng dạy lớp với 100% là trẻ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh (Lâm Đồng). Đa số các cháu đều sử dụng tiếng mẹ đẻ, không biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Vì thế rất khó truyền đạt thông tin cho các cháu hiểu. Phụ huynh đa số là nông dân, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên ít khi quan tâm đến việc học hành của con cái.

Một vài phụ huynh có suy nghĩ “học hành chỉ phí tiền”. Bởi  vậy, việc phối hợp với phụ huynh là rất khó khăn.

anh-5.jpg

Ka My Hằng tâm sự: “Cũng nhờ có nghề mà tôi nâng cao được tính cách dịu dàng. Phải luôn tạo cảm giác an toàn, vui vẻ mỗi khi các con đến trường, đến lớp. Tôi tự dặn mình hãy yêu thương trẻ như chính con ruột. Hãy làm bằng tình yêu thương thay vì bằng trách nhiệm. Chúng tôi phải vào nhiều vai trong một ngày, vừa là mẹ, vừa là cô giáo, vừa là thầy thuốc, có lúc lại là một chuyên gia tâm lý”.

anh-2-1-.jpg

Nghề như tấm vé trở về tuổi thơ

Cũng theo cô Hằng, dường như đối với giáo viên mầm non, không bao giờ hết nỗi lo, sự căng thẳng, mệt nhọc khi cả ngày chăm sóc dạy dỗ với hơn 30 trẻ bé tí ti và non nớt ấy. Mặc dù vậy nhưng chưa bao giờ làm cô mất đi tình yêu với trẻ, tình yêu nghề giáo.

“Tôi thấy thật vui, thật hạnh phúc khi được thấy những nụ cười giòn tan mỗi khi chúng nô đùa ríu rít bên cô. Được làm nghề mình thích, mình yêu tôi cảm thấy mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa. Nhiều lúc tôi thầm nghĩ nghề giáo như một tấm vé trở về với tuổi thơ. Ở đó, tôi được chơi những trò chơi thời thơ ấu. Đôi khi phải hóa thân là bạn cùng trang lứa chơi với trẻ và đó là những giây phút hồn nhiên nhất giữa cô và trẻ”, cô Hằng chia sẻ.

Là người con của buôn làng dân tộc Cơ Ho, cô muốn làm nhiều điều cho cộng đồng nơi mình sinh ra và lớn lên. Chính vì thế, cô đã quyết định mở một lớp dạy nhạc miễn phí cho con em đồng bào. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cô Hằng cũng đã sáng kiến ra một số giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ lớp Lá 4 trường mẫu giáo Hòa Bắc.

Nhờ những nỗ lực của mình, cô Hằng đã vinh dự nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Đặc biệt, cô Hằng vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021.

Theo cô Hằng, mỗi người đều có lí do của riêng mình khi bước chân vào điểm vạch gọi là nghề, với cô Hằng. Dù có làm nghề gì, công việc gì đều phải xuất phát từ tâm, từ tình yêu nghề. Đặc biệt, đối với giáo viên mầm non còn phải có tình yêu trẻ và có bản lĩnh thực sự.

“Để làm tốt vai trò của mình, cô giáo mầm non thật không dễ dàng gì, nhưng tôi luôn có niềm tin vào chính mình và tôi biết tôi đã chọn và làm đúng. Cảm ơn nghề đã cho tôi nhiều bài học, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, những yêu thương trách nhiệm trong công việc”, cô Hằng nói.

Bài liên quan
Nữ nghiên cứu sinh "bế" gia đình cùng đi du học
(GDTĐ) - Khát vọng chinh phục giấc mơ du học Tiến sĩ, nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ Cao Thị Hồng Phương đã quyết tâm lên kế hoạch đưa cả gia đình đến New Zealand để rồi bắt đầu hành trình đi du học của cả nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ka My Hằng trở về tuổi thơ với những đứa trẻ Cơ Ho