Mô hình Tổ Y tế từ xa có 1445 nhân sự, gồm các bác sĩ, giảng viên, sinh viên ý đa khoa và những bác sĩ, tình nguyện viên vận chuyển máy tạo oxy, bình oxy,thuốc. Mỗi TYTTX gồm 1 bác sĩ nội trú và 3 sinh viên y khoa khám, theo dõi bệnh nhân dưới sự giám sát của 1 bác sĩ (giảng viên hoặc BS tình nguyện có chứng chỉ hành nghề).
Mỗi ngày, các thành viên trong TYTTX sử dụng Videocall để liên lạc với bệnh nhân, người nhà thực hiện thăm khám, theo dõi, kê đơn (nếu cần), hướng dẫn bệnh nhân tự chăm sóc cũng như cung cấp video và tài liệu hướng dẫn. Tất cả mọi thông tin về tình trạng sức khỏe, theo dõi, điều trị của bệnh nhân được ghi nhận vào hồ sơ bệnh án và lưu trữ kỹ càng.
Giữa tháng 11/2021 khi tình hình dịch bệnh ở TPHCM lắng xuống thì mô hình TYTTX cũng tạm dừng hoạt động, vì lực lượng tình nguyện nồng cốt cũng phải quay trở lại trường với công việc chính của mình. Hơn 7000 bệnh nhân được tư vấn và hơn 90% trong số đó khỏi bệnh là một kết quả có thể nói vượt ngoài dự kiến của các thành viên TYTTX.
Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình TYTTX, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết: “Khó khăn đầu tiên là tính pháp lý và đảm bảo tính chuyên môn, làm sao đặt sự an toàn cho bệnh nhân lên trên hết.
Do vậy, nhà trường vừa triển khai, vừa tập huấn mang tính chất đồng bộ và chuyên nghiệp, liên tục tổ chức những cuộc trao đổi thảo luận để chuẩn hóa các quy trình hướng dẫn và lập cả những hệ thống lưu trữ hồ sơ để những người tư vấn nắm chắc được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân khi mà người tư vấn tiếp theo tác nghiệp.
Khó khăn tiếp theo là nhà trường vẫn phải duy trì hoạt động kép, nghĩa là phải đảm bảo công tác giảng dạy của nhà trường. Do đó, nhà trường chuyển sang đào tạo trực tuyến để cho các sinh viên vừa có thể tham gia chiến dịch vừa có thể là học tập qua hệ thống do trường thiết lập.
Bên cạnh đó, mặc dù là TYTTX nhưng cũng có những lúc một số thành viên phải đến nhà trực tiếp hỗ trợ bệnh nhân, do đó phải đặt tính an toàn cho người tư vấn, tác nghiệp trực tiếp với bệnh nhân…”.
Mô hình Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng - Trường ĐHY Dược TPHCM
Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát có những ngày cao điểm trong tháng 8/2021, số ca mắc Covid-19 mới lên đến hơn 17.400, cùng lúc đó TPHCMphải chăm sóc cho hơn 104.000 F0vớigần 40.000 F0 nặng, cùng số ca tử vong lên đến hàng trăm.
Trước tình thế đó, Khoa Y - Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất mô hình “Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng” tại 3 quận 8,10 và Bình Tân.
Theo PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan - Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, mô hình “Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng” đã huy động được sự tham gia nhiệt tình và hiệu quả của đội ngũ giảng viên và gần một ngàn sinh viên của Trường ĐH Y Dược TPHCM.
Điểm nổi bật của mô hình này là triển khai công tác chăm sóc F0 tại nhà dựa vào 02 trụ cột chính: Trụ 1 (Đội 1) có nhiệm vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa theo mô hình bác sĩ gia đình; Trụ 2 (Đội 2) là đội phản ứng nhanh, cấp cứu F0 khi có dấu hiệu trở nặng do Đội 1 thông tin, sau đó chuyển viện (nếu nặng).
Hai trụ cột này đã gắn liền với hoạt động của y tế địa phương, bao gồm hệ thống các bệnh viện điều trị và hồi sức Covid-19 để thu dung điều trị các F0 có triệu chứng nặng và nguy kịch; kết nối với chính quyền địa phương để cung cấp danh sách F0 cập nhật tại địa bàn. Mục tiêu của mô hình là giảm tỉ lệ tử vong thông qua việc theo dõi, chăm sóc F0 từ xa, can thiệp sơ cấp cứu và chuyển viện kịp thời.
“Ngày 27/7/2021, đơn vị họp triển khai mô hình với lãnh đạo Quận 10 trong tình hình dịch bệnh rất căng thẳng trên địa bàn. Khoa Y đã triển khai mô hình trong vòng 4 ngày và đưa vào hoạt động Đội 1 và Đội 2. Sau 10 ngày hoạt động, mô hình được tiếp tục triển khai sang Quận 8 từ ngày 8/8/2021 và tại quận Bình Tân từ 30/8/2021, đây là các điểm nóng dịch Covid-19 của TPHCM với số F0 và tử vong cao.
Tại Quận 10, có 6.057 F0 đã được quản lý bởi Đội 1, trong số đó, có 219 F0 được cấp cứu bởi Đội 2, tỷ lệ tử vong của các F0 được quản lý trong mô hình giảm xuống chỉ còn 0,43%. Tại Quận 8, có 8.188 FO được quản lý, cấp cứu 250 trường hợp, tỷ lệ tử vong 0,57%. Tại Quận Bình Tân, có 29.934 F0 được quản lý tại nhà và hỗ trợ bệnh viện quận theo dõi điều trị hơn 100 trường hợp đã qua xử trí cấp cứu tại Bệnh viện quận Bình Tân…” - PGS.TS.BSVương Thị Ngọc Lanchia sẻ.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, ở góc nhìn quản lý, việc xây dựng mô hình “Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng” không tốn nhiều kinh phí nhưng đòi hỏi việc xây dựng nguồn lực. Bởi các y bác sĩ, sinh viên, tình nguyện viên không chỉ khám tư vấn và hỗ trợ mua thuốc cho người dân, mà họ đã đem tới sự đồng hành và chia sẻ sự lo lắng, sợ hãi cũng như nỗi đau mất mát người thân.
Sự thấu cảm và tình người đã được các thành viên trong mô hình thực hiện, giúp người bệnh vượt qua những ám ảnh tâm lý khủng khiếp do dịch bệnh gây ra. Đó là những trải nghiệm đắt giá mà không bài học nào trên giảng đường có thể mang lại.
“Việc xây dựng mô hình không tốn nhiều kinh phí nhưng đòi hỏi việc xây dựng nguồn lực. Trong đó, việc phối hợp nhân lực y tế có chuyên môn cao và chuyên môn thấp hơn giúp tối ưu hóa việc chăm sóc. Chúng tôi cũng xây dựng một cẩm nang Quản lý F0 dựa vào cộng đồng để hỗ trợ các địa phương khi xây dựng mô hình chăm sóc F0 cho mình…” - PGS.TS.BSVương Thị Ngọc Lanchia sẻ.