Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên như thi trượt, thất nghiệp, trầm cảm... Trong đó, các nhà tâm lý học cho rằng học sinh mắc bệnh trầm cảm và chấn thương tâm lý do sợ thi cử, áp lực từ cha mẹ, bạn bè đồng trang lứa và một phần do hệ thống giáo dục.
Hệ thống giáo dục Ấn Độ thiên về ghi nhớ với những giờ học dài, ít thời gian dành cho hoạt động giải trí và giao tiếp xã hội – một phần quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Học sinh khối Khoa học Tự nhiên phải đối mặt với căng thẳng nhiều hơn vì việc thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khối ngành này rất cạnh tranh.
Thừa nhận những vấn đề căng thẳng hiện nay của học sinh, năm 2020, Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ (HRD) đã triển khai sáng kiến Manodarpan giúp giải tỏa áp lực tâm lý cho học sinh. Sáng kiến gồm 10 hoạt động trọng tâm có thể kể đến như tư vấn sức khoẻ tinh thần cho trường học, học sinh, phụ huynh; đường dây trợ giúp miễn phí; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tư vấn viên và dịch vụ tư vấn tâm lý;...
Dựa trên sáng kiến, các chuyên gia sức khoẻ tâm thần và giáo viên sẽ tích hợp các vấn đề sức khoẻ tâm thần với chương trình giảng dạy ở trường. Nội dung học bao gồm quản lý căng thẳng, quản lý thời gian, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp...
Bộ Giáo dục Ấn Độ cũng yêu cầu các trường xây dựng “phòng tư vấn”, tuyển dụng nhân viên cố vấn sức khoẻ tâm thần cho học sinh.
Học sinh Australia rèn luyện yoga sau giờ học. Ảnh: SBS. |
Tình trạng học sinh, nhất là học sinh nhỏ tuổi, cảm thấy căng thẳng, áp lực đã được cảnh báo tại Australia trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Nhưng vấn đề này đang trở nên nghiêm trọng hơn sau dịch Covid-19. Nhiều trường học phản ánh học sinh ngày càng thu mình, ít nói, biểu lộ cảm xúc lo lắng, sợ hãi. Một số em tỏ ra hung hăng, gây hấn với bạn bè chỉ để khỏa lấp cảm giác áp lực gia tăng.
Thực tế trên tại Australia cũng là bài toán đau đầu của ngành Giáo dục tại nhiều quốc gia trên thế giới. Áp lực của học sinh đặc biệt gia tăng sau 2 năm dịch Covid-19 khi trường học đóng cửa, học sinh mất kết nối với bạn bè và không thể tham gia các hoạt động phát triển thể lực lẫn trí lực.
Phương án chung được các quốc gia xây dựng là tuyển dụng đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khoẻ học đường; bồi dưỡng kỹ năng xử lý khủng hoảng tâm thần cho cán bộ quản lý, giáo viên; đưa nội dung về sức khoẻ tâm thần vào chương trình học; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tâm lý, tham quan, hướng nghiệp cho học sinh...
Tại Australia, nhiều trường học đã đưa môn yoga và thiền định vào chương trình học, thường tổ chức trước khi vào giờ học, trong giờ ra chơi hoặc sau khi tan học. Học sinh, giáo viên sẽ cùng nhau ngồi thiền hoặc tập yoga trong không gian rộng lớn. Trong các hoạt động trên, nhiều học sinh mạnh dạn chia sẻ áp lực của bản thân và cùng bạn bè, thầy cô tìm cách tháo gỡ.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, để giải tỏa áp lực cho học sinh, Chính phủ đã ban hành chính sách “giảm kép”, áp dụng từ năm học 2021 – 2022. Theo đó, học sinh lớp 1 – 2 không cần làm bài tập về nhà theo hình thức tự luận, chỉ cần đọc và ôn lại bài cũ. Với học sinh lớp 3 – 6 nhà trường giao bài tập vừa phải.
Hoạt động dạy thêm tư nhân sau giờ học bị cấm vào các ngày lễ lớn, trong kỳ nghỉ hè, nghỉ đông. Chính phủ sẽ xử phạt nghiêm trọng những hành vi dạy thêm “chui” hoặc gia sư tại nhà khi chưa được cấp phép. Ở quốc gia mà học sinh phải đối mặt với áp lực học tập lớn như Trung Quốc, các biện pháp nghiêm ngặt trên được kỳ vọng giúp thế hệ trẻ giảm nhẹ gánh nặng từ học tập và phát triển toàn diện.