Giáo dục quốc phòng, an ninh phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường và học sinh

21/09/2023, 14:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh năm học 2023-2024. Theo đó, Giáo dục quốc phòng và an ninh phải bảo đảm khoa học, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường và học sinh.

Giáo dục quốc phòng và an ninh bảo đảm khoa học, hiệu quả  - Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai dạy học môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) theo đúng quy định, bảo đảm khoa học, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường và học sinh.

Đối với lớp 5 cấp tiểu học, lớp 9 cấp trung học cơ sở tiếp tục thực hiện dạy học lồng ghép GDQPAN theo Thông tư số 01/2017/TT-BGDĐT. Năm học 2023-2024, các lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện dạy học lồng ghép tập trung các chủ đề: giáo dục tinh thần yêu nước; truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước; tình yêu quê hương, yêu hoà bình, yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp trung học cơ sở theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện dạy học lồng ghép tập trung các chủ đề: giáo dục truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc; truyền thống lịch sử của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; tình yêu quê hương, biển đảo Việt Nam,... Nội dung lồng ghép GDQPAN được thực hiện thông qua các bài học trong các môn học; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

Đối với lớp 10 và lớp 11 cấp trung học phổ thông thực hiện nội dung GDQPAN theo Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT về Ban hành Chương trình môn GDQPAN cấp trung học phổ thông; sử dụng sách giáo khoa mới đã được phê duyệt. Năm học 2023–2024, lớp 12 tiếp tục sử dụng sách giáo khoa hiện hành theo hướng tiếp cận Chương trình GDQPAN được quy định tại Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT và bổ sung những kiến thức mới. Các nhà trường tổ chức dạy học theo phân phối chương trình cả năm học; nội dung thực hành, dạy tập trung dứt điểm theo bài nhưng không quá 3 tiết/buổi và phải thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn khi sử dụng vũ khí, trang bị.

Sinh viên học môn GDQPAN phải được tổ chức ăn, ở tập trung theo nếp sống quân sự

Đối với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và các trung tâm GDQPAN, Bộ GD&ĐT yêu cầu: Thực hiện nghiêm quy định sinh viên học môn GDQPAN phải được tổ chức ăn, ở tập trung theo nếp sống quân sự và biên chế thành tiểu đội, trung đội, đại đội; cán bộ đại đội là cán bộ, giảng viên cơ hữu của nhà trường, trung tâm. Sinh viên nữ phải được bố trí khu vực riêng và bảo đảm ăn, ở phù hợp.

Trên cơ sở điều lệnh quản lý bộ đội, điều lệ, các chế độ, quy định của quân đội để vận dụng duy trì nền nếp, chế độ trong ngày, trong tuần cho phù hợp như: thức dậy; thể dục sáng; kiểm tra sáng; học tập; ăn uống; thể thao; đọc báo, nghe tin; ngủ nghỉ,...

Thực hiện xưng hô, chào hỏi theo quy định; lễ tiết, tác phong, đi lại theo nếp sống quân sự. Giảng viên thỉnh giảng là sĩ quan quân đội, sĩ quan công an đã nghỉ hưu, xuất ngũ thống nhất sử dụng trang phục giảng viên GDQPAN trong giảng dạy, công tác, không được mang mặc quân phục quân đội, công an. Các ngày nghỉ theo lịch giảng dạy phải tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, chặt chẽ phù hợp với lứa tuổi của sinh viên.

Nghiêm cấm cán bộ, giảng viên, sinh viên sử dụng rượu, bia, chất kích thích, chất cấm và vui chơi, giải trí ăn tiền dưới mọi hình thức.

Thực hiện tốt công tác tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị

Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho sinh viên Nghị định số 78/2020/NĐ-CP về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nghị định số 79/2020/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng về tuyển chọn nam sinh viên đi đào tạo sĩ quan dự bị.

Khi có quyết định giao chỉ tiêu đào tạo sĩ quan dự bị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức xây dựng kế hoạch tuyển chọn, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, khoa, bộ môn bảo đảm khoa học, chặt chẽ. Tổ chức thành lập Hội đồng tuyển chọn, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn là một lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, các thành viên là lãnh đạo các đơn vị chức năng, khoa, bộ môn được giao nhiệm vụ tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học.

Tổ chức tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học theo đúng thủ tục, nguyên tắc, công khai, dân chủ, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đúng ngành, chuyên ngành theo quy định và có ít nhất 20% nguồn dự bị đối với từng ngành, chuyên ngành.

Quá trình đào tạo, phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo sĩ quan dự bị trong Quân đội nắm chắc kết quả học tập, chất lượng rèn luyện, tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, kịp thời giải quyết các vướng mắc. Kết thúc khóa đào tạo, tiếp nhận sinh viên từ cơ sở đào tạo về trường bảo đảm chặt chẽ và tổ chức tuyên dương, khen thưởng các sinh viên có thành tích cao trong quá trình đào tạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục quốc phòng, an ninh phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường và học sinh