Từng 2 lần được giao góp ý bản mẫu sách giáo khoa (lớp 10, 11), khó khăn được thầy Thiên chia sẻ là thời gian để đọc, nghiên cứu, góp ý bản mẫu còn ít. Thường những công việc này diễn ra khoảng 1 tuần, trong khi giáo viên vẫn phải bảo đảm công việc chuyên môn như bình thường.
“Cả sách giáo khoa và chuyên đề, tính ra mỗi nhà xuất bản có 2 quyển. Như vậy trong tuần, giáo viên được giao nhiệm vụ sẽ phải đọc, nghiên cứu và góp ý tổng cộng 4 quyển sách. Bên cạnh đó, vì là góp ý online nên phải có máy tính và mạng Internet mới tiến hành công việc được” - thầy Trang Minh Thiên cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm để có những góp ý chất lượng cho bản mẫu sách giáo khoa, thầy Trang Minh Thiên cho rằng, điều đầu tiên thầy cô phải đọc thật kỹ yêu cầu cần đạt của chương trình, từ đó đối chiếu lại bản mẫu xem nội dung có đáp ứng yêu cầu cần đạt hay không?
“Thực tế, để góp ý nghiêm túc tốn không ít thời gian. Cách làm của tôi thường là xem trước mục lục trong bản mẫu sách giáo khoa, sau đó so với khung chương trình. Nếu thấy phù hợp với khung chương trình mới tiếp tục xem tỉ mỉ nội dung từng bài. Để thuận lợi hơn cho thầy cô, mong các nhà xuất bản chủ động có bản mẫu sách giáo khoa sớm, việc góp ý diễn ra trong dịp hè, khi đó giáo viên có thời gian dài hơn để nghiên cứu tìm hiểu, bảo đảm chất lượng đóng góp. Nếu trong năm học, thầy cô vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa góp ý sách giáo khoa thì chất lượng góp ý không thể quá cao” - thầy Thiên bày tỏ.
Tại Hưng Yên, thông tin từ cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi, sở GD&ĐT lựa chọn một số giáo viên các trường để tham gia góp ý bản mẫu sách giáo khoa. Là người từng tham gia góp ý sách giáo khoa Lịch sử 10, 11 bộ Kết nối tri thức và Cuộc sống, bộ Cánh diều, cô Vũ Thị Anh cho biết, công văn của sở GD&ĐT được chuyển đến kịp thời cho giáo viên tham gia góp ý; có thời hạn gửi góp ý, nếu vướng mắc sẽ liên lạc với chuyên viên phụ trách của sở để nhận hỗ trợ.
Tuy nhiên, đợt đọc sách giáo khoa Lịch sử 11 lần này, có thể do đường truyền nên khi giáo viên vào đọc để góp ý, có lúc không mở được file, hệ thống báo chưa có sách. Do đó, để có ý kiến thiết thực, nên để giáo viên tham gia góp ý được đọc bản cứng, thuận lợi hơn trong so sánh, đối chiếu và rút ra được những góp ý có tính thực tiễn.
Từ thực tế góp ý bản mẫu sách giáo khoa, cô Mông Triệu Nguyệt Nga cho biết, thầy cô thuận lợi là được hướng dẫn chi tiết từ văn bản của các cấp, ngành, được cung cấp đường link đọc sách với tài khoản, mật khẩu để có thể nghiên cứu bản mẫu mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, trong quá trình góp ý, nhiều khi bị nghẽn mạng, đường truyền quá tải nên việc đọc sách gặp nhiều khó khăn. Tài khoản tập huấn đôi lúc không đăng nhập được nên ảnh hưởng đến việc đọc và góp ý sách (giáo viên thường nản chí sau vài lần tài khoản không đăng nhập được).
Để có ý kiến thiết thực góp ý sách giáo khoa, cô Mông Triệu Nguyệt Nga cho rằng, đầu tiên giáo viên phải nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nắm chắc mục tiêu và quan điểm xây dựng chương trình; đồng thời nắm chắc chương trình môn học. Cùng với đó, thầy cô nghiên cứu bản mẫu sách giáo khoa, đối chiếu với yêu cầu cần đạt của chương trình. Trong quá trình nghiên cứu cần đọc thật kỹ, xem xét, chú ý để hiểu ý tưởng của nhóm biên soạn, thấy rõ được cái hay, sáng tạo của bộ sách. Cuối cùng, người được giao trách nhiệm góp ý sách giáo khoa cần sắp xếp thời gian, không gian đọc, tự tạo cho mình động lực đọc. Đọc thật chậm, thật kỹ và phải có trách nhiệm để đưa ra ý kiến góp ý thực sự chất lượng.