Năm học 2024-2025 sẽ là năm thực hiện Chương trình GDPT 2018 với các khối 5, 9 và 12. Thầy giáo Phạm Văn Công - giáo viên Trường Tiểu học & THCS Minh Khai, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình chia sẻ xung quanh vấn đề lựa chọn sách giáo khoa (SGK) tại các nhà trường làm sao để đạt hiệu quả.
Nhiều năm qua, có thể nói công tác chuẩn bị cũng như việc tiến hành lựa chọn các bộ SGK ở mỗi nhà trường đều tuân thủ đúng quy trình các bước giúp giáo viên làm chủ được nguyện vọng của mình trước những bộ SGK mà mình yêu thích. Tuy nhiên, việc lựa chọn SGK tại các trường những năm qua đã thực sự có hiệu quả chưa là một vấn đề không ít các thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh quan tâm.
Từ khi những cuốn SGK mẫu được đưa đến tay giáo viên để đọc, nghiên cứu đến khi có được những lựa chọn cho mình về một bộ SGK có thể thấy là rất ít. Ngoài việc nghiên cứu về nội dung, cách sắp xếp các bài theo ý chủ quan của các nhóm tác giả, giáo viên cũng cần đưa ra ý kiến của riêng mình về việc sắp xếp đó.
Thầy giáo Phạm Văn Công - giáo viên Trường Tiểu học & THCS Minh Khai, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. |
Những ngữ liệu trong SGK là vấn đề rất quan trọng, giáo viên phải có đủ thời gian tìm hiểu mới có thể phát hiện ra những gì chưa sát với thực tế ở địa phương mình. Để làm tốt việc này, giáo viên cần phải có ít nhất 3 tháng đọc và nghiên cứu. Rất mong các tác giả và các Nhà xuất bản quan tâm để những bản mẫu sách đến sớm được với giáo viên.
Bên cạnh đó, những năm qua hầu hết giáo viên không được cấp kinh phí để làm việc này. Về phía nhà trường, các Hiệu trưởng đều cho rằng đó là trách nhiệm của giáo viên, còn các nhà xuất bản cũng không có căn cứ để cấp kinh phí cho giáo viên khi tham gia lựa chọn sách. Vậy ai, cơ quan nào sẽ cấp kinh phí cho giáo viên là phù hợp?
Rõ ràng cả nhà trường và các tác giả đều phải quan tâm mới là đúng. Các trường phải hiểu rõ hơn ai hết, tại sao cần cấp kinh phí cho giáo viên khi tham gia tập huấn lựa chọn SGK. Vì việc tập huấn không chỉ đơn thuần là lựa chọn được một bộ sách cho trường, nó còn giúp giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn một cách rất hiệu quả.
Nếu không được tập huấn, chắc chắn nhiều thầy cô sẽ không biết được mục đích đưa mỗi bài học của các tác giả vào SGK để làm gì, tại sao cùng một nội dung mà mỗi sách lại có một ngữ liệu một cách làm khác nhau “chinh phục người học”. Việc làm này thực sự rất hữu ích trong việc nâng cao chuyên môn cho mỗi giáo viên.
Việc tự học hỏi, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn là của giáo viên nhưng nhà trường cũng không thể ngoài cuộc. Nếu như có sự bồi dưỡng về mặt kinh phí cho giáo viên khi tham gia tập huấn, chắc chắn thầy cô sẽ có thêm động cơ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc lựa chọn các bộ sách.
Tiết học trên lớp của học sinh Trường Tiểu học & THCS Minh Khai (Hưng Hà, Thái Bình). |
Về phía các tác giả - đại diện là nhà xuất bản không hiểu chiết khấu 30-35% giá bìa cho mỗi cuốn sách được sử dụng vào những việc gì mà giáo viên tham gia tập huấn để giúp các tác giả có được một bộ sách hoàn hảo hơn thì lại không được cấp.
Thiết nghĩ, thay vì việc thông qua các bên trung gian để các bộ sách đến tay phụ huynh học sinh thì các Nhà xuất bản nên cắt một phần kinh phí cho các giáo viên tham gia tập huấn lựa chọn sách. Nên khuyến khích các nhà trường đặt sách trực tiếp với các nhà xuất bản để giảm thiểu chi phí một cách tối đa cho công tác vận chuyển.
Nếu để như hiện nay, Sách từ Nhà xuất bản phải đi vòng qua rất nhiều nơi từ Sở đến Phòng, qua thư viện nhà trường, đến giáo viên chủ nhiệm rồi mới đến tay phụ huynh học sinh. Mỗi lần như thế lại phải trích lại một số phần trăm thực sự rất tốn kém, tất cả đổ lên đầu phụ huynh học sinh.
Về nhân lực: Những năm qua, đa số các trường mới chỉ sử dụng nguồn nhân lực trong các tổ khối cho bộ sách của tổ khối đó mà chưa có sự tham gia của các tổ khối khác. Chính việc làm này đã đánh mất đi cơ hội của các giáo viên trong các tổ khối khác.
Nếu cho giáo viên các khối 1 - 4 tham gia việc lựa chọn SGK lớp 5 thì họ sẽ rất có kinh nghiệm trong việc phát hiện lỗi thông qua thực tế giảng dạy các bộ sách mà họ đã lựa chọn. Tất cả giáo viên dạy đều phải được nghiên cứu trao đổi trong nhà trường trước khi thành lập các Hội đồng chọn sách với đủ các thành phần theo yêu cầu.
Về việc có nên xuất bản thêm một bộ sách do Bộ GD&ĐT biên soạn hay không, vấn đề này đã được đưa ra lấy ý kiến tất cả các đối tượng và có nhiều ý kiến trái chiều.
Về phía chủ quan của người viết bài này thì cũng rất mong Bộ giáo dục có thêm một bộ sách chuẩn mực được viết theo nội dung các bộ sách đã ban hành trên cơ sở khắc phục những thiếu sót của những bộ sách đó. Có những nội dung trong một số bộ sách được bàn cãi nhiều trên truyền thông có nên hay không nên đưa vào sách...
Nếu Bộ GD&ĐT viết lại sẽ bỏ những nội dung đó đi tránh được những tranh cãi không đáng có. Khi có một bộ sách của Bộ GD&ĐT sẽ khắc phục việc học sinh chuyển trường vẫn có thể yên tâm vì nội dung đã thống nhất. Nếu Bộ cho ra một bộ sách chuẩn thì những bộ sách hiện hành sẽ trở thành những cuốn sách tham khảo tuyệt vời đối với phụ huynh học sinh, đặc biệt là các giáo viên. Đây có thể được coi là một kho tài liệu vô cùng phong phú cho giáo viên khi dạy bộ sách chuẩn mực của Bộ GD&ĐT.