Giáo viên khoe quyền lực, ‘tố’ học sinh trên TikTok

PV | 05/04/2023, 11:51
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều giáo viên mầm non, tiểu học biến TikTok này thành nơi khoe quyền lực, thậm chí quay clip lúc học sinh đang học bài, ngủ trưa.

Dù pháp luật đã quy định rõ về việc sử dụng hình ảnh cá nhân của trẻ em, nhiều giáo viên vẫn bất chấp đăng hình ảnh của học sinh lên TikTok để câu like, câu view.

Một giáo viên sở hữu tài khoản TikTok @zaly436 từng đăng video quay lén học sinh kèm caption ẩn ý: “Cô đi dạy đã áp lực lắm rồi, giờ lại còn áp lực hơn”. Video này ghi lại cảnh một bé trai và một bé gái mẫu giáo chơi đùa, ôm hôn nhau.

Không chỉ đăng video quay lén học sinh, TikToker này còn tranh thủ trong giờ dạy ở trường mầm non để quay clip học sinh vui chơi. Camera đặt sát khu vực trẻ ngồi chơi nên nhiều bé bị lộ mặt trong video mà không hề hay biết.

Tương tự, cô giáo tên Linh sở hữu tài khoản TikTok @colinh_maylangthang cũng thường xuyên đăng tải clip của học sinh lên trang cá nhân. Vì là giáo viên tiểu học, cô giáo này thường đăng clip lúc học sinh đang học bài, viết bảng hay thậm chí là clip lúc học sinh bị phạt hoặc lên bảng hỏi bài cô.

Đa phần cô giáo Linh quay video trong giờ học. Thậm chí nhiều lúc học sinh đang chăm chú luyện chữ, cô cũng dí camera vào sát vở của trẻ để quay clip đăng lên TikTok, tranh thủ quảng cáo "bút cô Linh có bán".

Giáo viên quay TikTok trong giờ học sẽ ảnh hưởng đến trẻ

Khi xem các video do giáo viên đăng tải trên TikTok, bà Anh Thư - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tuệ Đức (TP.HCM) - đặt ra nghi vấn rằng những video này có dàn dựng hay không và giáo viên đã quay video trong hoàn cảnh nào.

Đối với bà Thư, việc sử dụng điện thoại hay quay video trong lớp học của giáo viên ít nhiều cũng sẽ có ảnh hưởng đến giờ học của trẻ. Tại trường Tiểu học Tuệ Đức, giáo viên được quy định không sử dụng điện thoại trong giờ dạy học để tránh ảnh hưởng đến không gian học tập của trẻ.

Những trường hợp giáo viên sử dụng điện thoại di động trong tiết dạy ở trường thường là để ghi hình lớp học làm tiết dạy mẫu theo yêu cầu của hội đồng chuyên môn và ban giám hiệu.

Đồng quan điểm với bà Thư, bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng việc giáo viên quay clip tương tác với học sinh hay khoe quyền lực rồi đăng lên TikTok sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy học.

"Muốn bắt kịp xu hướng, giáo viên sẽ phải tốn thời gian để xem xét và tìm tòi những nội dung có view, sau đó lên kịch bản rồi rủ học sinh làm theo. Khi bị chi phối và sử dụng nền tảng này quá nhiều, việc dạy học, chất lượng bài giảng của giáo viên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng", bà Trâm nói.

Bà Trâm nêu ý kiến nếu muốn gần gũi và thân thiết hơn với học sinh, thầy cô có thể thực hiện nhiều hoạt động chung khác nhau, thay vì "hòa tan" bằng cách rủ học sinh "diễn" trên TikTok. Khi video lên xu hướng, trẻ cũng dễ trở thành đối tượng bị nhận xét đánh giá trái chiều (bao gồm tích cực lẫn tiêu cực) từ cộng đồng mạng.

Ngoài ra, việc giáo viên thường xuyên quay video Tiktok trong giờ học hoặc bắt ép học sinh xuất hiện trong video cũng có thể khiến những người xem là phụ huynh đánh giá sai về hình ảnh giáo viên của trường học.

Một vấn đề khác mà hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập lo ngại là quyền riêng tư của trẻ bị xâm phạm. Bà Trâm nhấn mạnh giáo viên cần phải tôn trọng hình ảnh của trẻ và hỏi ý kiến các em trước khi đăng nội dung lên mạng xã hội. Bản thân bà Trâm cũng phải hỏi ý kiến học sinh trước khi đăng hình ảnh các em lên Facebook cá nhân chứ không tùy tiện đăng tải, dù đó là hình ảnh các em đoạt giải thưởng cao trong học tập.

Đồng quan điểm với bà Trâm, bà Anh Thư cho biết trường Tiểu học Tuệ Đức cũng yêu cầu giáo viên phải đề cao việc bảo vệ hình ảnh cá nhân của học sinh.

Để đảm bảo quyền riêng tư của các em, tất cả hình ảnh học sinh được đăng tải trên mạng xã hội của trường cũng đều phải thông qua sự đồng ý của phụ huynh. Giáo viên ở trường được quy định không tự tiện đăng tải thông tin hay hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội như Facebook hay TikTok.

"Theo tôi, giáo viên muốn dạy học sinh tôn trọng mình, trước tiên, họ cần tôn trọng quyền riêng tư của các em. Không phải phụ huynh nào cũng thoải mái trong vấn đề chia sẻ hình ảnh cá nhân của con. Đặc biệt ở độ tuổi tiểu học, mầm non, khi phụ huynh đồng ý con xuất hiện trên mạng xã hội, nhà trường mới có thể sử dụng hình ảnh của các em", bà Thư nói.

Theo zingnews.vn
https://zingnews.vn/giao-vien-khoe-quyen-luc-to-hoc-sinh-tren-tiktok-post1418682.html
Copy Link
https://zingnews.vn/giao-vien-khoe-quyen-luc-to-hoc-sinh-tren-tiktok-post1418682.html
Bài liên quan
Sở hữu ứng dụng “làm mưa làm gió” khắp TG, CEO Tiktok giàu cỡ nào?
Shou Zi Chew đã phải điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ trong nỗ lực ngăn chặn lệnh cấm của Mỹ đối với TikTok

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên khoe quyền lực, ‘tố’ học sinh trên TikTok