Giáo viên 'mách nước' giúp học sinh đạt điểm cao môn Địa lí

30/05/2023, 19:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô giáo Trần Thị Kim Anh – môn Địa lí (Trường THPT Phan Thành Tài - Đà Nẵng) đã chỉ ra một số lưu ý, giúp học sinh ôn tập tốt trước khi thi.

Nắm vững kỹ năng, nắm chắc kiến thức

Cô giáo Trần Thị Kim Anh – Tổ trưởng chuyên môn tổ Sử - Địa - GDCD, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Phan Thành Tài (TP. Đà Nẵng) cho hay, đối với nội dung môn Địa lí thi Tốt nghiệp THPT chủ yếu tập trung ở chương trình Địa lí lớp 12.

Cô Kim Anh cho biết, theo đề tham khảo môn Địa lí mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, phần lớn câu hỏi tập trung ở chương trình lớp 12. Câu hỏi thường tập trung nhiều vào khai thác Atlat Địa lí Việt Nam, những câu hỏi lí thuyết thường bám sát nội dung sách giáo khoa Địa lí lớp 12 (Địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lí các ngành kinh tế, địa lí các vùng kinh tế).

Theo đó, cấu trúc đề thi chia làm 2 phần: Phần lí thuyết có 21 câu và Phần kỹ năng có 19 câu. Trong đó sử dụng và khai thác Atlat địa lí 15 câu, 4 còn lại là kỹ năng nhận dạng biểu đồ, bảng số liệu, nhận xét (nhận xét bảng số liệu, biểu đồ chủ yếu ở chương trình SGK Địa lí 11).

“Tuy nhiên, cấu trúc đề thi minh họa so với đề thi thực tế chỉ mang tính chất định hướng. Trong quá trình ôn tập các em nên linh hoạt, chia kiến thức theo từng chủ đề, từ đó hệ thống hóa kiến thức theo sơ đồ tư duy để dễ học dễ tư duy. Những câu hỏi khó thường rơi vào phần kinh tế nếu các em biết vận dụng phân tích tổng hợp kiến thức thì sẽ đạt kết quả cao”, cô Kim Anh chia sẻ.

Giáo viên 'mách nước' giúp học sinh đạt điểm cao môn Địa lí ảnh 1

Atlat địa lí. Ảnh: Hoàng Vinh.

Địa lí được xem là môn đặc thù vì học sinh được sử dụng Atlat địa lí, chính vì vậy ở phần sử dụng Atlat địa lí chiếm 37,5 % (15 câu) trong tổng bài thi.

“Atlat có vai trò hết sức quan trọng. Thí sinh có thể vận dụng kiến thức trong Atlat để làm bài thi. Atlat là phương tiện nhớ kiến thức, giúp thí sinh giảm bớt việc học thuộc lòng và ghi nhớ một cách máy móc. Atlat địa lí Việt Nam là "cuốn sách giáo khoa thứ hai" là tài liệu quan trọng để làm bài thi môn Địa lí. Vậy nên, các em cần tập trung khai thác một cách tốt nhất kiến thức trong Atlat địa lí để đạt kết quả tốt nhất”, cô Kim Anh nhấn mạnh.

Cô Kim Anh cũng lưu ý, để sử dụng hiệu quả Atlat trong quá trình ôn tập và làm bài thi:

Thứ nhất, các em cần xem kỹ trang ký hiệu chung (trang 3) vì hầu hết các đối tượng địa lí biểu hiện trên các bản đồ đều được thể hiện ở trang này, bên cạnh đó các em cũng cần nắm được nội dung các trang bản đồ thông qua trang mục lục

Thứ hai, phải nắm vững các ước hiệu của bản đồ chuyên ngành. Phải biết sử dụng màu sắc (ước hiệu) vùng khí hậu để nêu ra các đặc điểm khí hậu của từng vùng khi xem xét bản đồ khí hậu. Nắm vững ước hiệu mật độ dân số khi tìm hiểu phân bố dân cư ở nước ta trên bản đồ, các bãi tôm, bãi cá khi sử dụng bản đồ lâm nghiệp, ngư nghiệp...

Thứ ba, phải biết khai thác biểu đồ từng các ngành, các số liệu trong Atlat địa lí. Với biểu đồ giá trị tổng sản lượng các ngành hoặc biểu đồ diện tích của các ngành trồng trọt: Thông thường mỗi bản đồ ngành kinh tế đều có từ 1 đến 2 biểu đồ thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích (đối với các ngành nông lâm nghiệp) của các ngành kinh tế, học sinh biết cách khai thác các biểu đồ trong các bài có liên quan.

Thứ tư, thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi. Ví dụ những dạng câu xác định vị trí, câu hỏi không nằm, không có, không đúng…

Những câu hỏi liên quan đến Atlat Địa lí thường trình bày về phân bố sản xuất, xác định vị trí của các ngành, các sự vật hiện tượng địa lí tự nhiên - kinh tế - xã hội.

Còn ở phần Địa lí tự nhiên tương đối khó, để học tốt phần này đòi hỏi các em phải có nhiều kĩ năng, tư duy linh hoạt. Cần nắm được các mối liên hệ nguyên nhân – kết quả là những mối liên hệ biểu thị tương quan phụ thuộc giữa các sự vật, hiện tượng và quá trình địa lí. Các thành phần tự nhiên có mối quan hệ biện chứng với nhau, một đặc điểm của thành phần này sẽ dẫn tới những đặc điểm của các thành phần khác. Vì vậy, để ôn tập phần tự nhiên hiệu quả, các em nên hệ thống hóa kiến thức thành sơ đồ hoặc các bảng thống kê để dễ học, dễ nhớ kiến thức.

Nắm được các mối liên hệ nhân quả, có những mối liên hệ đơn giản (chỉ có một nguyên nhân và một kết quả), có những mối liên hệ nhân quả phức tạp (một nguyên nhân gây ra nhiều kết quả, hay nhiều nguyên nhân gây ra một kết quả), các nguyên nhân và kết quả liên tục kế tiếp nhau tạo ra một chuỗi mối liên hệ nhân quả. Các em cần đọc kỹ để xác định đâu là nguyên nhân chính, đâu là kết quả chủ yếu.

Ví dụ trong bài thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa, từ khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ảnh hưởng trực tiếp đến các thành phần tự nhiên khác, đến sự sinh trưởng và phát triển của động vật và thực vật. Ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và một số ngành khác…

Ở phần địa lý các ngành kinh tế: Trong quá trình ôn tập, học sinh cần xây dựng sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức giúp nhận thức rõ nét đặc trưng cơ bản và những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng. Những câu hỏi khó thường là những câu hỏi bao quát.

Ví dụ:

1. Ý nghĩa lớn nhất của các công trình thủy điện đối với kinh tế của vùng Tây Nguyên là:

A. cung cấp nước tưới cho các vườn cây công nghiệp trong mùa khô.

B. điều tiết nước cho các sông, cung cấp nước cho các ngành sản xuất.

C. tạo ra nguồn điện dồi dào và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

D. thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái và cung cấp nước cho sinh hoạt.

2. Ý nghĩa chủ yếu của việc phát triển giao thông vận tải ở Bắc Trung Bộ là:

A. thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tăng cường liên kết với các vùng.

B. thúc đẩy công nghiệp hóa, mở rộng các liên kết, phân bố lại dân cư.

C. đẩy nhanh đô thị hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu.

D. đẩy mạnh giao thương, liên kết các bộ phận lãnh thổ, tạo đô thị mới.

3. Ý nghĩa chủ yếu của việc phát triển chăn nuôi bò sữa ở Trung du và miền núi Bắc Bộ là:

A. hạn chế du canh du cư, giải quyết việc làm, tạo nhiều loại sản phẩm.

B. phát huy thế mạnh, nâng cao mức sống, phát triển sản xuất hàng hóa.

C. thu hút các nguồn đầu tư, đa dạng sản xuất, nâng cao vị thế của vùng.

D. sử dụng hợp lí tài nguyên, mở rộng sản xuất, thay đổi cơ cấu kinh tế.

4. Giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phát triển công nghiệp ở Bắc Trung Bộ là:

A. đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng thị trường.

B. đổi mới khoa học và công nghệ, đào tạo lao động, thu hút đầu tư.

C. mở rộng cảng biển, hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế.

D. đào tạo nguồn lao động, đầu tư theo chiều sâu, bảo vệ môi trường.

Những điều cần nhớ trước khi thi

Cô Kim Anh cho biết thêm, đề thi trắc nghiệm thường bao quát chương trình hơn, kiến thức kiểm tra rộng hơn so với thi tự luận. Vì vậy khi ôn tập các em học sinh cần tránh học tủ. Nên hệ thống hóa kiến thức bằng bảng thống kê hoặc sơ đồ tư duy, cần có kỹ năng sử dụng Atlat, nhận dạng biểu đồ, bảng số liệu, kỹ năng nhận xét, tính toán. Không được bỏ qua kiến thức.

Giáo viên 'mách nước' giúp học sinh đạt điểm cao môn Địa lí ảnh 2

Đề tham khảo môn Địa lí mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, phần lớn câu hỏi tập trung ở chương trình lớp 12. Câu hỏi thường tập trung nhiều vào khai thác Atlat Địa lí Việt Nam. Ảnh: Hoàng Vinh.

Một số lưu ý khi nhận dạng biểu đồ:

- Biểu đồ cột (đơn, cột ghép): khi đề bài yêu cầu thể hiện sự biến động của một đối tượng qua nhiều năm hoặc so sánh các đối tượng khi có cùng đơn vị trong một năm.

- Biểu đồ đường (đồ thị): khi đề bài yêu cầu thể hiện sự thay đổi, tăng trưởng, diễn biến của các đối tượng khác nhau về đơn vị qua nhiều năm.

- Biểu đồ kết hợp (đường và cột): khi đề bài yêu cầu thể hiện các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ với nhau. Hoặc đề bài có từ ba loại số liệu trở lên mà cần biểu diễn trên cùng một biểu đồ.

- Biểu đồ miền: khi đề bài yêu cầu thể hiện rõ nhất sự thay đổi cơ cấu, tỉ trọng của hai hoặc ba nhóm đối tượng mà có từ 3 năm trở lên…

- Biểu đồ cột chồng: khi đề bài yêu cầu thể hiện tốt nhất quy mô và cơ cấu của đối tượng (theo tỉ lệ % tuyệt đối).

Học sinh cần lưu ý khi làm bài thi: Thứ nhất: đọc kỹ câu hỏi để tìm ra đáp án đúng nhất;Thứ hai: Sử dụng một cách triệt để Atlat địa lí Việt Nam khi làm bài; Thứ ba: Phân bổ thời gian thích hợp (40 câu 50 phút; thí sinh có khoảng 1 phút 15 giây để trả lời một câu hỏi). Câu nào dễ làm trước khó đánh dấu lại làm sau, nếu hết thời gian vẫn không làm được nên dùng phương pháp loại trừ. Phỏng đoán không phải là một cách hay, tuy nhiên khi các em không chắc chắn về câu trả lời thì việc phỏng đoán một cách logic và khoa học là một trong những giải pháp khá hiệu quả.

Thứ tư là sau khi làm bài xong thí sinh nên dành thời gian để kiểm tra lại phiếu trả lời trắc nghiệm xem đã làm và tô đáp án đầy đủ chưa, những câu sai phải tẩy sạch để tránh mất điểm khi máy quét không rõ, không nên bỏ trống bất kỳ đáp án nào.

Thứ năm: chuẩn bị tâm lý tự tin, vững vàng trong phòng thi, không nên tạo áp lực thi cử làm giảm chất lượng bài thi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên 'mách nước' giúp học sinh đạt điểm cao môn Địa lí