Là cán bộ quản lý giáo dục ở khu vực vùng sâu xa, xã đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), cô Hồ Thủy Và, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Vân nhận định, Bộ GD&ĐT đề xuất bổ sung trường hợp người lao động là giáo viên mầm non có tuổi nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định là phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Lý do, giáo viên mầm non đóng 2 vai trò: Dạy và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Người lớn tuổi không đáp ứng được với nhu cầu hiếu động, sự phát triển về trí tuệ, thể chất, cảm xúc, vận động và hình thành nhân cách một cách toàn diện cho trẻ. Bởi thực tế, nhiều giáo viên lớn tuổi có thể cáng đáng, cố gắng thực hiện tốt vai trò người chăm sóc còn dạy trẻ rất khó khăn.
Theo đó, trước hết là khó khăn trong tiếp nhận Chương trình giáo dục mầm non. Chương trình Bộ GD&ĐT ban hành là chương trình khung. Nhà trường căn cứ vào đó để xây dựng chương trình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và với trẻ tại nhóm, lớp. Giáo viên lớn tuổi sẽ gặp hạn chế trong xây dựng kế hoạch giáo dục, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Thêm nữa, áp lực làm việc của giáo viên mầm non rất lớn, thời gian làm việc 1 ngày hơn 8 giờ; không chỉ dạy mà còn chăm sóc trẻ ăn, ngủ, vệ sinh… Do đó, thầy cô lớn tuổi khó bảo đảm sức khỏe, sự năng động, nhanh nhẹn để hướng dẫn trẻ hoạt động hiệu quả, làm ức chế sự hiếu động và phát triển, vì giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non “chơi bằng học, học bằng chơi” là hoạt động chủ đạo.
“Từ thực trạng đó, tôi hy vọng các cấp, ngành, cũng như toàn xã hội quan tâm, thấu hiểu đối với giáo viên mầm non. Nên thay đổi quy định tuổi về hưu cho giáo viên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ là 50 tuổi. Giáo viên mầm non công tác tại các đơn vị đặc biệt khó khăn, vùng sâu, xa, tuổi hưu thậm chí cần giảm hơn. Riêng cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục mầm non thực hiện theo quy định chung”, cô Hồ Thủy Và kiến nghị.
Cô Lê Thị Thanh Tâm, Trường Mầm non Hướng Dương (Tam Bình, Vĩnh Long) cũng đồng tình với đề xuất giảm tuổi hưu cho giáo viên mầm non. Cô Tâm cho rằng, tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm, giáo viên không còn nhanh nhẹn để bảo đảm các thao tác chuyên môn: Múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực, chạy, nhảy,... đặc biệt không bảo đảm được an toàn cho mọi trẻ ở lớp, trường. Việc thích nghi cái mới, sáng tạo, linh hoạt với thay đổi cũng giảm nhiều; ứng dụng CNTT và chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn…
Ngày ngày đến trường được gặp và nghe tiếng gọi “cô ơi!” từ trẻ là niềm hạnh phúc vô cùng. Tuy nhiên giáo viên mầm non lớn tuổi nghe gọi “bà ơi!”… sẽ không khỏi chạnh lòng. Trẻ mầm non luôn yêu thích sự tươi vui, linh hoạt, năng động… khi lớn tuổi, giáo viên không còn sức “thu hút” với trẻ, từ đó kết quả nuôi dạy không như mong đợi. Với lớp sĩ số đông, trẻ hiếu động, giáo viên lớn tuổi sẽ không tạo được sự yên tâm, tin tưởng với phụ huynh khi gửi con em. - Cô Lê Thị Thanh Tâm