Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức sinh hoạt chuyên môn. |
Sau 2 năm triển khai dạy học Chương trình GDPT 2018, giáo viên ở Đà Nẵng vẫn chưa được bồi dưỡng để dạy học đa môn mà chỉ tự bồi dưỡng trong quá trình sinh hoạt tổ chuyên môn.
Thầy Nguyễn Văn Tuấn – Tổ trưởng Lịch sử - Địa lý, Trường THCS Nguyễn Huệ (Hả Châu) cho biết: “Như kiến thức môn Địa lý lớp 6, Chương trình GDPT 2018 chủ yếu là địa lý tự nhiên đại cương. Đây là một nội dung kiến thức khó lại có nhiều bài tập liên quan đến công thức, tính toán. Vì vậy, trong sinh hoạt tổ chuyên môn, các giáo viên được đào tạo đơn môn Lịch sử sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ của đồng nghiệp để đảm bảo chất lượng dạy – học”.
Tuy nhiên, theo như nhận xét của thầy Tuấn thì việc hỗ trợ từ đồng nghiệp cũng chỉ mang tính chất cầm tay chỉ việc, khó đến đâu thì gỡ đến đấy chứ không thể mang tính hệ thống được. Vì vậy, giáo viên rất cần được bồi dưỡng, đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu dạy học chương trình GDPT 2018. Ở lớp 6, 7, kiến thức còn nhẹ thì có thể giáo viên còn có thể đáp ứng được. Nhưng lên đến lớp 8, 9, khi kiến thức chuyên sâu hơn thì không thể duy trì hình thức giáo viên vừa dạy học vừa tự bồi dưỡng được.
Thầy giáo Nguyễn Tự Lực - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho rằng, Bộ GD&ĐT phải tính đến chương trình đào tạo lại để giáo viên đi học mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn mới trong chương trình GDPT mới; đồng thời tỉnh cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người học.
Đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng đã kiến nghị Sở GD&ĐT Đà Nẵng cần xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn, các lớp bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhất là 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên và lịch sử, địa lý. Tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên sâu về các môn tích hợp cho giáo viên có nhiều kỹ năng, kiến thức để giảng dạy các môn tích hợp được hiệu quả trong công tác giảng dạy ở những năm học tiếp theo.
Đặc biệt, thời gian bồi dưỡng cho giáo viên cần tập trung vào khoảng tháng 6 và tháng 7 (do học sinh nghỉ hè, giáo viên có nhiều thời gian cho công tác tập huấn, nghiên cứu). Hạn chế tối đa việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn vào thời gian giáo viên giảng dạy để giáo viên có thể tham gia đầy đủ và hiệu quả, không ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy của giáo viên trên trường.